[Ghibli] - VÀI ĐIỀU VỀ ĐẠO DIỄN HAYAO MIYAZAKI

Sau 5 năm “im ắng”, huyền thoại làm phim hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki (72 tuổi) đã trở lại với phim mới mang tựa đề The Wind Rises. Phim được trình chiếu ở xứ Phù Tang từ ngày 20/7 và đã thu về được 960 triệu yên (9,6 triệu USD) sau 2 ngày cuối tuần đầu tiên. Đó là cuộc “mở màn” ấn tượng nhất của điện ảnh Nhật Bản từ đầu năm đến nay.

The Wind Rises đã được chọn tham gia tranh giải Sư tử Vàng tại LHP Venice Quốc tế lần thứ 70, diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 7/9. Phim được mở đầu với bài thơ The Graveyard By The Sea của Paul Valery: “Gió ngày càng mạnh!... Chúng ta phải cố gắng sống!”.

Mê máy bay chiến đấu từ thời nhỏ


Miyazaki dàn dựng bộ phim này theo cuốn truyện tranh cùng tên mà ông xuất bản năm 2009. Đây là câu chuyện hư cấu về cuộc đời của một nhân vật lịch sử là Jiro Horikoshi, nhà thiết kế chiếc máy bay chiến đấu Mitsubishi A6M Zero từng tham gia Thế chiến II, qua đó mô tả cuộc sống riêng tư của một người đàn ông trong thời kỳ hỗn loạn.


Miyazaki sinh năm 1941, tức 11 tháng trước khi xảy ra trận Trân Châu Cảng. Suốt thời thơ ấu của mình, Miyazaki chỉ yêu thích vẽ máy bay chiến đấu. Tình yêu với máy bay quân sự được thể hiện rất rõ trong các bộ phim của ông, từ những thiết bị biết bay mang hình con rồng trong phim Laputa: Castle In The Sky cho tới những chiếc máy bay chiến đấu trong phim Porco Rosso. Thậm chí studio của ông là Ghibli cũng được đặt tên theo một chiếc máy bay của Italia trong Thế chiến II.

Miyazaki nói rằng trong The Wind Rises, ông muốn mô tả cuộc đời của kỹ sư Jiro Horikoshi mà không có bất cứ một sự phán xét nào. “Vợ tôi và đội ngũ làm phim từng hỏi tại sao tôi lại kể một câu chuyện về người đàn ông đã chế tạo vũ khí phục vụ chiến tranh? Họ băn khoăn là có lý. Nhưng mấy ai biết rằng, chính ông Jiro Horikoshi từng than phiền rằng: ‘Tất cả những gì tôi muốn làm là chế tạo được một thứ gì đó thật đẹp đẽ". Biết được điều này, tôi hiểu mình đã tìm được đề tài làm phim” - Miyazaki kể.

“Jiro Horikoshi là người tài năng nhất trong thời đại của ông ở Nhật Bản. Ông không nghĩ về vũ khí. Mặc dù ông đã chế ra những công cụ có khả năng phá hủy lớn, nhưng thực ra mục đích của ông là muốn làm được những chiếc máy bay thật phức tạp” - Miyazaki nhận định.

Cảnh trong phim hoạt hình mới The Wind Rises của Hayao Miyazaki

Cảm xúc trái chiều

The Wind Rises đánh dấu sự chuyển hướng trong cách làm phim của Miyazaki. Trước đây, Miyazaki yêu thích làm những bộ phim đề cập đến tâm trạng của con người và những sinh vật kỳ quái. Bộ phim mới của ông, vì thế, đã nhận được những lời phê bình trái chiều.

“Đây là bộ phim khiến bạn muốn nói: Tôi chưa bao giờ xem một bộ phim nào hay như thế” - Mamoru Hosoda, nhà làm phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản ca ngợi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích sự đổi mới."Tôi đã mất niềm tin vào Miyazaki. Tôi không thể tin rằng ông lại có thể bị cuốn hút vào một người đàn ông đã chế tạo những cỗ máy giết người” - một khán giả giấu tên viết.

Có người phàn nàn rằng nội dung phim quá buồn khi câu chuyện của Jiro Horikoshi được nối với một nữ nghệ sĩ trẻ đang vật lộn với căn bệnh lao. Nhiều người băn khoăn không biết phim có thể thu hút được sự quan tâm của giới trẻ hay không, vì chúng chưa hề trải qua chiến tranh.

Nhưng không ít thanh niên Nhật Bản lại đánh giá rằng bộ phim chứa đựng các bài học quý và nói thay cho họ nhiều điều, dù nó có bối cảnh trong những năm 30 của thế kỷ trước. Một khán giả nữ 15 tuổi đã bày tỏ trên trang web của Studio Ghibli: “The Wind Rises đã cho tôi thấy câu chuyện về một người đàn ông trẻ tuổi từng phải sống trong thời kỳ khó khăn, nhưng vẫn biến ước mơ của mình thành hiện thực và đến được với người phụ nữ mình yêu. Bộ phim này đã dạy cho tôi phải sống như thế nào”.

----------------------------------------------------------------------

Trong bài phỏng vấn Lý An, nhà phê bình phim quá cố Roger Ebert đã khai thác được nhiều thông tin bổ ích và thú vị. Nhưng Roger còn có nhiều bài phỏng vấn hay nữa, vừa đi sâu vào phim, vừa nhẹ nhàng, dĩ nhiên là không có những câu hỏi ngu ngơ khoe mẽ. Sau đây là một bài phỏng vấn rất hay của Roger, mà bất cứ ai yêu vẽ, yêu phim hoạt hình cũng sẽ thích.

Một cảnh trong phim Ponyo của Miyazaki

“Tôi yêu phim của ông. Tôi tham khảo phim của ông. Tôi xem phim của ông khi đi tìm nguồn cảm hứng”.

John Lasseter, đạo diễn của “Câu chuyện đồ chơi” và “Đời sâu bọ”, nói về Hayao Miyazaki. Những nhà làm phim hoạt hình khác cũng đồng ý rằng người đàn ông ít nói với mớ tóc xám đến từ Nhật có lẽ là đạo diễn phim hoạt hình giỏi nhất trong lịch sử từ trước đến giờ. Phim của ông hay đến nỗi nó buộc bạn phải suy nghĩ lại cách bạn tiếp cận phim hoạt hình.

John Lasseter (trái) và Miyazaki

Lasseter (người sáng lập ra hãng Pixar) là một trong những đạo diễn hoạt hình thành công nhất Hollywood. Việc anh chịu bỏ thời gian để đích thân chăm chút cho “Spirited Away” khi Disney phát hành nó ở Mỹ chính là món quà để tỏ lòng kính trọng với nghệ sĩ lớn tuổi này của Nhật. Lasseter cũng đạo diễn luôn phần soundtrack tiếng Anh cho Spirited Away, anh đi cùng Miyazaki đến Liên hoan phim Toronto.

“Lần đầu Spirited Away được chiếu ở ngoài nước Nhật là tại (rạp mini) của hãng hoạt hình Pixar,” Lasseter nói, “sự tuyệt vời của nó khiến tôi kinh ngạc. Bắc Mỹ chưa có dịp khám phá phim Miyazaki. Trong cộng đồng hoạt hình, ông là một người hùng, ông cũng là người hùng của tôi.”

Một cảnh của “Spirited Away”

Miyazaki cùng cộng sự ở hãng Ghibli, ông Isao Takahata (từng làm “Grave of the fireflies”, “Only yesterday”…), đã tạo nên những tác phẩm rất nghệ thuật và sâu sắc; “Công chúa Mononoke” là một trong những phim hay nhất năm 1999. Spirited Away thì thắng giải Gấu vàng Berlin, vượt doanh thu của Titanic ở Nhật, và là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử thu về hơn 200 triệu đô trước khi chiếu ở Bắc Mỹ.

Bộ phim mới này có lẽ là phim hay nhất của ông, kể về một cô bé 10 tuổi, bé cùng bố mẹ đi lạc vào một đường hầm ở trong rừng, và phát hiện thấy một khu vui chơi bỏ hoang. Với cô bé, mọi sự bỗng chốc trở thành một chuyến phiêu lưu kiểu “Alice ở xứ thần tiên”, trong đó đầy những phù thủy, ma, linh hồn, những con nhọ lem hai mắt, một cậu bé tốt bụng, một ông có 8 tay làm việc ở lò đun nước nóng, và một dòng sông đáng sợ có cơ thể bị ô nhiễm hơn mấy thập kỷ.

Yêu quái củ cải trắng trong “Spirited Away”

Lúc tôi nói chuyện với Miyazaki, 62 tuổi, tôi nhắc ông nhớ rằng hồi năm 1999 ông nói mình sẽ về hưu. Bây giờ ông lại làm một phim mới. “Tôi muốn nghỉ hưu” ông nói, “nhưng cuộc sống không dễ dàng thế. Tôi muốn làm một phim cho mấy cô con gái của bạn bè tôi. Tôi cố mở những ngăn kéo (ý tưởng) trong đầu ra nhưng chúng đều trống rỗng. Nên tôi nhận thấy rằng mình cần làm một phim cho những đứa bé 10 tuổi, và ‘Spirited Away’ là câu trả lời.”

Vui nhỉ. Nhiều đạo diễn quảng cáo phim cho trẻ 10 tuổi rồi hô hào rằng phim đó là dành cho “cả gia đình”. Miyazaki làm một tác phẩm khiến người lớn phát mê ở Liên hoan Phim Berlin, Telluride, và Toronto; rồi hô rằng nó dành cho trẻ 10 tuổi.

Qua người phiên dịch, ông nói Lasseter đã “biến thành một cái máy ủi” để dọn đường cho Spirited Away, bảo đảm rằng nó sẽ được chiếu ở Mỹ: “Nếu không có Lasseter, tôi không nghĩ rằng mình có thể ngồi ở đây.”

Miyazaki nghi ngờ máy tính, ông tự vẽ hàng ngàn khung hình bằng tay. “Chúng tôi vẽ từng thước phim rồi dùng công nghệ kỹ thuật số để làm giàu hình ảnh, nhưng mọi thứ bắt đầu từ bản vẽ tay. Và chuẩn phối màu thì thể theo màu của cảnh nền. Chúng tôi không tạo màu trên máy tính. Nếu không đề ra những chuẩn mực cứng rắn như vậy, chúng tôi sẽ bị cuốn vào cơn lốc của xu hướng máy tính hóa.”

Ông toét miệng cười, “Đấy là mệnh lệnh tối thượng của nhà chỉ huy.” Miyazaki chính là nhà chỉ huy.
Phác thảo tay của chính Miyazaki cho “Spirited Away”

Phác thảo tay cho một cảnh trong “Ponyo”

Ông định nghĩa vẽ tay là “2-D” còn vẽ trên máy tính là “3-D.”

“Những gì chúng tôi gọi là 2-D chính là những hình ảnh chúng tôi vẽ trên giấy để tạo chuyển động và không gian trên mặt giấy đó. 3-D là khi bạn tạo không gian bên trong máy tính. Tôi nghĩ óc sáng tạo của người Nhật không hợp với 3-D cho lắm.”

Tôi nói với Miyazaki rằng tôi yêu các “chuyển động miễn phí” trong phim của ông; trái với việc mỗi chuyển động phải liên quan đến câu chuyện (như trong các phim khác), trong phim của Miyazaki, đôi lúc nhân vật chỉ ngồi nghỉ một chút, hoặc thở dài, hoặc nhìn xuống dòng sông đang chảy, hoặc làm cái gì đấy ngoài lề. (Những hành động này) không phải để đẩy câu chuyện đi tiếp, mà chỉ để tạo ra một cảm giác về thời gian và không gian, để (khán giản) cảm nhận được những nhân vật này là ai.

Cảnh Chihiro nghỉ ngơi ăn bánh trong “Spirited Away”

“Chúng tôi có từ cho những cảnh kiểu này trong tiếng Nhật” Ông nói “Nó gọi là ‘ma’. Nghĩa là ‘trống rỗng’. Nó xuất hiện có chủ đích.”

Liệu nó có giống như “từ đệm” dùng để tách vế trong thơ Nhật (thơ Haiku)?

“Tôi không nghĩ nó giống như từ đệm.” Ông vỗ tay 3 hay 4 lần. “Thời gian nghỉ giữa những tiếng vỗ tay là ‘ma’. Nếu bạn chỉ có cảnh hành động liền tù tì mà không có không gian để thở, thì (bộ phim) đấy chỉ là một mớ bận bịu. Nhưng nếu bạn dừng một chút, thì bạn có thể đưa sự căng thẳng mình gầy dựng trong phim đến một chiều không gian rộng hơn. Nếu bạn cứ căng thẳng liên tục ở mức 80 độ thì bạn sẽ đơ ra mất.”

Điều ấy giúp giải thích tại sao phim của Miyazaki thu hút hơn và dễ thấm hơn cái kiểu hành động hớn hở trong rất nhiều phim hoạt hình Mỹ. Tôi nhờ ông giải thích việc này sâu thêm chút nữa.

“Những nhà làm phim sợ sự tĩnh lặng, nên họ muốn che đậy và đắp vá lên sự tĩnh lặng ấy,” Ông nói. “Họ lo rằng khán giả sẽ chán, sẽ ra khỏi rạp để mua bắp rang nổ. Nhưng nếu phim căng thẳng hết 80% thời lượng thì cũng không có nghĩa là con nít sẽ ban cho bạn sự tập trung của chúng. Cái quan trọng là cảm xúc trong phim – những thứ bạn không bao giờ rời bỏ khi xem.”

“Những gì bạn bè của tôi và tôi đang tìm cách thực hiện từ những năm 1970s, là cố hạ cho phim bớt ồn ào một chút; đừng tra tấn con nít với tiếng ồn. Và đi theo cảm xúc của trẻ con khi làm phim. Nếu bạn trung thực với các cảm xúc như niềm vui, sự ngạc nhiên, và sự đồng cảm; bạn không cần phải có cảnh bạo lực hay hành động. Trẻ em sẽ tự nguyện theo bạn. Đây chính là nguyên tắc của chúng tôi.”

Cảnh hai chị em Satsuki và Mei thổi Ocarina trên ngọn cây với Totoro, một cảnh yên bình hiền hòa trong phim “Ông hàng xóm Totoro“

Ông thấy rất buồn cười, Miyazaki nói, khi xem nhiều cảnh hoạt hình (dạng đồ họa) trong các phim hành động người đóng như “Spider-Man” (Người Nhện)

“Theo cách nào đó, phim người đóng đang trở thành một phần của món súp hoạt hình. Hoạt hình đã trở thành một từ gói gọn được quá nhiều thứ, và phim hoạt hình của tôi chỉ là dấu chấm nhỏ trong một góc. Nhưng vậy đối với tôi là rất đầy đủ rồi.”

----------------------------------------------------------------------

Đạo diễn Isao Takahata của studio Ghibli vừa họp báo để quảng bá tác phẩm mới nhất của ông “The Tale of Princess Kaguya” (truyện cổ tích về công chúa Kaguya). Đây sẽ là phim thứ 5 Isao làm cho hãng Ghibli, và tác phẩm cũng đánh dấu sự trở lại của Isao sau 14 năm vắng bóng.

Poster quảng cáo phim “Công chúa Kaguya”

Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “Nàng tiên trong ống tre” vốn rất quen thuộc đối với trẻ em Nhật; phim sử dụng màu nước làm chủ đạo, nhìn rất dễ chịu. Chưa biết nó hay dở thế nào, nhưng đã là phim của Isao thì phải biết tí văn hóa Nhật, và chắc chắn phải đọc “Nàng tiên trong ống tre” thì lúc xem mới có thể thấm được.

Cảnh phim: bác tiều phu tìm thấy cô công chúa trong ống tre

Cô công chúa Kaguya lúc bé

Điều đáng nói là tại buổi họp báo, Isao lỡ miệng bật mí rằng: Miyazaki đang bắt tay vào vẽ một… tác phẩm truyện manga.

Bậc thầy phim hoạt hình Nhật Bản này vừa mới tuyên bố nghỉ hưu, thiên hạ nghe tin này với thái độ bán tín bán nghi, vì ông tuyên bố nghỉ hưu hoài mà chưa bao giờ nghỉ được. Lần này, Miyazaki nói ông phải rút lui vì sức khỏe yếu, không còn khả năng cho ra 1 phim hoạt hình dài trong 2 năm. Mà nếu 4-6 năm mới làm được 1 tác phẩm thì Studio chết đói mất.

Tuy nhiên, các fan thở phào nhẹ nhõm khi biết Miyazaki sắp bắt tay vẽ truyện Manga, theo lời Isao thì đấy là một truyện về các võ sĩ Samurai thời chiến quốc. “Tôi nghĩ Miyazaki sẽ vẽ một series truyện. Ngay từ đầu, anh ấy đã khoái vẽ các chủ đề anh ấy thích, anh giải tỏa stress bằng cách này. À, nhưng Miyazaki sẽ giận nếu tôi tiết lộ nhiều quá, nên chúng ta ngừng ở đây nhé!”

Isao (áo xám, đang cầm kịch bản) hướng dẫn các diễn viên lồng tiếng cho phim “Công chúa Kaguya”

Các fan giờ đã có lý do để thở phào, vì vẽ manga có thể dẫn đến ngứa tay muốn biến nó thành phim. Tác phẩm “Nausicaa” của Miyazaki cũng là phim làm từ truyện ông vẽ.

Isao Takahata chẳng mấy tin lắm cái vụ nghỉ hưu này. Khi cánh báo chí hỏi rằng Studio Ghibli đang trong tình trạng như thế nào khi thiếu Miyazaki, Isao nói “Tôi không nghĩ tới chuyện đó, vì anh ấy vẫn ở studio hoài đó thôi.”

----------------------------------------------------------------------

1.

Hãng Disney dạo gần đây cứ hay lôi phim hoạt cũ ra làm lại, nên khi nghe họ thông báo rằng họ quyết định biến Aladdin thành phim người đóng để chiếu rạp, cảm giác cứ chan chán, không quan tâm. Dù rằng Disney có nói họ sẽ không làm phim mới dựa theo y chang bản hoạt hình cũ, mà sẽ tập trung khai thác nhân vật Thần Đèn với lại vì sao ông Thần bị mắc kẹt trong cái đèn, nhưng cứ lôi phim cũ ra làm lại như vầy thì nghe hoài nó hết hứng thú.
Cảnh trong phim “Aladdin” thuở nào.

Chán hơn nữa, trước khi thông báo làm lại Aladdin chừng một tuần, Disney đã nói rằng mình sẽ làm phim người đóng về chàng bạch mã hoàng tử (có thể là chàng của Công chúa ngủ trong rừng hay Lọ Lem gì đấy). Thôi thì phim chưa ra, biết đâu nó hay, nhưng sao cứ lôi nhân vật cũ xì ra làm lại vậy Disney?
Hoàng tử của phim “Lọ Lem” thời những năm 50s này sắp “ra riêng”

2.

Trong khi đó, thật là mát lòng khi nghe tin mới từ Miyazaki

Sau khi vị đạo diễn tuyên bố nghỉ hưu, rồi đến tin hãng Ghibli có thể đóng cửa, không sản xuất phim dài nữa, các fan đã rất buồn. Điều may mắn là bảo tàng Ghibli vẫn hoạt động, trong đó còn chiếu nhiều phim hoạt hình ngắn do chính Miyazaki và các nghệ sĩ của Ghibli làm nên. Vị đạo diễn dứt khoát không đem các phim ngắn này đi chiếu ở đâu cả vì ông muốn những ai thích xem chúng phải đến Nhật thăm bảo tàng.

Miyazaki tại bàn làm việc



Một trong những phim ngắn chiếu tại bảo tàng Ghibli là “Bé Mei và xe buýt mèo con” – có thể xem đây là một đoạn ngắn về những gì xảy ra với bé Mei sau khi phim “Ông hàng xóm Totoro” kết thúc. Muốn xem phim này là phải vác thân đến Nhật, không còn cách nào khác. Nhật là vậy đấy, ngay cả đặc sản địa phương họ cũng quyết không bán ngoài địa phương (chỉ cho bạn mua về để làm quà) hòng phát triển du lịch kinh tế cho địa phương đó.


Cảnh bé Mei, Totoro, và xe buýt mèo con gặp “lão tổ bà bà” của họ mèo xe buýt. Đến bảo tàng Ghibli thăm thú xem phim thì sau đó sẽ mua được sách, trong sách có in vài cảnh phim để khách tham quan làm kỷ niệm. Mấy bạn đi Nhật được đã đem sách về scan hình cho mọi người ngắm này, chứ không thì mù tịt thông tin hình ảnh phim.
Phác thảo màu nước do chính Miyazaki vẽ cho phim “Bé Mei và xe buýt mèo con”.

Mới đây, Miyazaki thông báo rằng dù ông không làm phim dài nữa, nhưng ông sẽ bắt tay vào làm một bộ phim ngắn 10 phút cho bảo tàng. Và tác phầm này sẽ hoàn toàn là phim hoạt hình 3D – khác với các bản phim vẽ tay trước đây của ông. Vốn là kẻ cầu toàn, Miyazaki dự tính rằng ông sẽ tốn… 3 năm để làm nên thước phim 3D dài 10 phút theo đúng ý mình.

Miyazaki nói, bộ phim sẽ kể về một chú sâu róm.

Ai cuồng hãng Ghibli sẽ biết ngay chú sâu róm này chính là tác phẩm Chú sâu róm Boro (Kemushi no Boro). Chả là, trước đây Miyazaki từng đắn đo về hai dự án: Công chúa Mononoke và sâu róm Boro. Ông không đủ tiền lẫn thời gian để làm cả hai phim, nên phải chọn một. Mononoke là phim hành động, còn Boro thì dễ thương như Totoro vậy.

Miyazaki hỏi ý kiến của nhà sản xuất, nhà sản xuất bảo “Miya san à, ông… già rồi”, và khuyên rằng Miyazaki nên làm Mononoke trong lúc còn sức khỏe, do phim hành động làm rất cực, tuổi cao e khó thực hiện. Còn Boro thì thong thả được. Miyazaki thấy có lý nên thực hiện Mononoke trước, bỏ Boro sang một bên.

Tìm mãi mới thấy hình phác họa chú sâu Boro của Miyazaki

Sau một thời gian bỏ ngỏ Boro, Miyazaki thấy mình chưa có khả năng quay lại với nó nên hơi tiếc khi để bao nhiêu ý tưởng nằm kho. Ông bèn bốc một nhân vật phụ mình thích trong Boro – chú nhện Monmon – ra làm phim ngắn 10 phút về chú nhện này để giữ hứng thú với dự án. Bây giờ ông đã bắt tay vào Boro với định dạng 3D, tuy chưa biết phim có chiếu nơi nào ngoài Nhật không, nhưng thấy Miyazaki vẫn làm phim mới là mừng rồi.


Hình ảnh của phim “Chú nhện nước Monmon”. Ban đầu Miyazaki định cho nhân vật này xuất hiện ít phút trong phim “Boro” dài, nhưng sau đó ông thấy chú nhện cũng thú vị, và “Boro” bỏ ngỏ chưa biết bao giờ mới thực hiện tiếp được, nên ông làm phim ngắn cho chú nhện trước.


Hình hồ nước trong phim “Nhện Monmon”. Phim ngắn này khá mới nên hình trên mạng chưa nhiều, nhưng thấy tấm nào cũng dễ thương hết.

Miyazaki thiệt tình là biết chiêu dụ người qua Nhật để thúc đẩy kinh tế du lịch của nước nhà!

Nhà làm phim ăn khách số 1 của Nhật

Bộ phim mới nhất của Miyazaki là Ponyo, đã thu về được hơn 150 triệu USD ở Nhật Bản, trong khi bộ phim hoạt hình đoạt giải Oscar năm 2001 của ông, Spirited Away, vẫn là phim Nhật Bản đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại sau khi đã “bỏ két” được 30,4 tỷ yên (304 triệu USD). Cho đến nay, 3 trong 5 phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại ở Nhật Bản đều là sản phẩm của Miyazaki.

Miyazaki từng tham gia tranh giải Sư tử Vàng tại LHP Venice năm 2004 với phim Howl’s Moving Castle. Năm 2005, ông đã được trao giải Thành tựu trọn đời tại LHP này. 

ღღ lưu giữ kỷ niệm đẹp ღღ

#hộpnhạc #hopnhac #musicbox #hopnhacmusicbox #hopnhacgo #hopnhactrongsuot #hopnhacacrylic #hopnhacDIY #hopnhacdaycot #hopnhacquaytay #phale # thuytinh #quatangtinhyeu #quatangtinhnhan #tinhyeu #tinhnhan #quatang #kyniem #quakyniem #vatkyniem #DIY

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn