[Ghibli] - SỨC HẤP DẪN TỪ CÁC BỘ PHIM HOẠT HÌNH CỦA STUDIO GHIBLI

Studio Ghibli – nơi sản sinh ra những bộ phim hoạt hình Nhật Bản khiến cả thế giới phải thán phục, cùng Fans Việt điểm qua những điều làm nên sức hấp dẫn của studio hoạt hình này trong suốt 30 tại Nhật Bản nhé.

Vài lát cắt về Studio Ghibli

Được biết đến là hãng chuyên sản xuất anime màn ảnh rộng, các bộ phim của Studio Ghibli không chỉ nổi tiếng ở Nhật mà còn được đánh giá cao trên toàn thế giới.

Hình ảnh đại diện của Studio Ghibli gắn với nhân vật Totoro được nhiều người yêu thích

Hãng phim được thành lập năm 1985 bởi hai đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng Miyazaki Hayao và Takahata Isao.

Những người đã làm nên Studio Ghibli với những Anime đã đi sâu vào lòng công chúng

Số lượng phim được sản xuất tại Studio Ghibli từ năm 1983 (thời gian lên ý tưởng thành lập studio) cho đến nay là 22 bộ phim. Trong đó có đến 4 bộ phim đứng đầu danh sách những bộ phim hoạt hình hay nhất do trang web uy tín IMDB bình chọn (bằng với số lượng phim của hãng animation Pixar).

Vùng đất linh hồn (2001), bộ phim phá vỡ kỉ lục doanh thu và luôn nằm trong top những phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại

Sức hút 30 năm từ hoạt hình Ghilbi

Không phải ngẫu nhiên mà Studio Ghibli có những bộ phim hoạt hình chinh phục được khán giả toàn thế giới. Từng công đoạn sản xuất một bộ phim hoàn chỉnh đều đòi hỏi rất cao.

Các hình ảnh trong Anime được vẽ tay gần như hoàn toàn. Đạo diễn Miyazaki Hayao là họa sĩ theo phong cách truyền thống, ông rất hạn chế việc sử dụng máy tính hay kĩ xảo bởi theo ông như vậy là đánh mất giá trị của bộ phim.

Vị đạo diễn khó tính này chỉ cho phép phim do ông sản xuất có tối đa 10% sự can thiệp của máy móc

Những khung cảnh được vẽ tay trong bộ phim hoạt hình Thung lũng gió (1983)

Điều làm nên sức hút của phim hoạt hình Ghibli còn là những khung hình đẹp được chăm chút tỉ mỉ. Đó có thể là vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của làng quê Nhật Bản hay hùng vĩ, u tịch của thế giới phép thuật và đôi khi sự tráng lệ của thế giới viễn tưởng nhưng vẫn dựa vào thiên nhiên để hình thành nên. Tất cả đều khiến người xem không rời được dù là bất cứ khung hình nào.

Studio Ghibli có một nhà soạn nhạc riêng cho những bộ phim của hãng - Hisaishi Joe. Thật khó để trả lời câu hỏi âm nhạc đã làm nên thành công cho Ghibli hay nhờ Ghibli mà thế giới biết đến Hisaishi Joe.

Những bộ phim như Lời thì thầm của trái tim lấy giai điệu bài hát làm nội dung mở đầu và dẫn dắt xuyên suốt câu chuyện. Rất nhiều những bản nhạc trong phim hoạt hình Ghibli đã trở thành giai điệu gắn liền với tuổi thơ của không ít người.

Căn phòng đầy màu sắc thiên nhiên được đưa vào căn phòng của Cô nàng tí hon Arrietty (2010)

Một khung hình ám ảnh những người xem Mộ đom đóm (1988) với câu chuyện buồn trong phim

Mỗi Anime của Ghibli không đơn thuần là xem để giải trí như những loạt Anime truyền hình của Nhật, riêng những sản phẩm tinh thần của hãng đều chứa đựng thông điệp nhẹ nhàng về cuộc sống.

Những triết lí về tình yêu thương, tình cảm gia đình, yêu thiên nhiên, hòa bình hay khuyến khích cách sống độc lập, chia sẻ. Tất cả được lồng ghép một cách nhẹ nhàng trong từng tình tiết phim.

Chính những thông điệp đó đã khiến hoạt hình Ghibli không chỉ cuốn hút trẻ em mà còn lôi cuốn cả những người đã qua khoảng thời gian tươi đẹp đó.

Khó ai có thể ghét thần rừng dễ thương Totoro (1988)

Hình tượng nhân vật Jiro Horikoshi, phim Nổi gió (2013) – người thiết kế những chiếc máy bay chiến đấu cho quân đội Nhật trong Thế chiến II lại là một người yêu hòa bình

Thời gian gần đây, thông tin Studio Ghibli sẽ đóng cửa làm không ít fan trên khắp thế giới lo âu. Tuy nhiên, với 30 năm cống hiến cho ngành điện ảnh thế giới, chắc chắn những bộ phim của Ghibli vẫn sẽ là nguồn cảm hứng của những thế hệ sau này.

Tranh vẽ đạo diễn Miyazaki Hayao và thế giới nhân vật trong Ghibli

Liệu Studio Ghibli thời kì “hậu Hayao” có thể tự đưa mình quay trở lại thời kì đỉnh cao của nó?

2015 lẽ ra là một năm bùng nổ của Studio Ghibli khi nó đánh dấu kỉ niệm 30 năm thành lập xưởng phim này. Nhưng trái với kỳ vọng, cho tới tận tháng Năm năm nay, khán giả Mỹ (và sau đó là thế giới) mới được thưởng thức When Marnie Was There (tên gốc: Omoide no Marnie - Kí ức về Marnie), phim hoạt hình mới nhất của Studio Ghibli. Và tất cả chỉ có vậy.

Phim When Marnie Was There

Lý do dẫn đến sự im hơi lặng tiếng này là liên tiếp trong các năm 2013 và 2014, Studio Ghibli buộc phải liên tiếp nói lời chia tay với Hayao Miyazaki và Toshio Suzuki - hai trong ba vị đồng sáng lập nên xưởng phim hoạt hình Nhật Bản được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Sự rút lui của hai người bạn thân thiết, hai người đồng nghiệp ăn ý trong vai trò đạo diễn - nhà sản xuất đã đặt Ghibli vào vòng nguy hiểm.

Tháng 8/2015, Toshio Suzuki tuyên bố xưởng Ghibli tạm dừng hoạt động cho một đợt “đóng cửa dọn nhà” và tái cấu trúc lại hoạt động. Tuyên bố của Toshio đã dẫn đến những lời đồn đoán Studio Ghibli sẽ không làm phim hoạt hình nữa. Tuy nhiên điều này ngay sau đó đã bị phủ nhận.

Những tin đồn thất thiệt về số phận của Ghibli lan tràn trên mạng vào nửa cuối 2014, xét cho cùng, cũng không phải thiếu căn cứ. Bởi nếu Toshio là người đảm nhận công việc sản xuất trong hầu hết các bộ phim, thì Hayao Miyazaki lại là linh hồn của Ghibli, góp phần to lớn trong việc biến xưởng phim, từ một cái tên nội địa, trở thành thương hiệu được hâm mộ trên toàn thế giới.

Chúng ta đang nói đến My Neighbor Tottoro (1988), Spirited Away (2001) và rất nhiều cái tên khác. Người ta vẫn nhắc đến Spirited Away như tác phẩm lớn, không chỉ giúp Ghibli giành được vô số giải thưởng trong nước và quốc tế, mà còn đặt nó vào một vị trí danh giá trên bản đồ điện ảnh thế giới. Còn Tottoro, thậm chí vị thần rừng khổng lồ màu xám và lông lá này đã trở thành logo của xưởng phim.

Hayao Miyaki bên tác phẩm cuối cùng của ông cho Studio Ghibli - The Wind Rises

Năm 2006, Goro Miyazaki - con trai của Hayao Miyazaki ra mắt người hâm mộ hoạt hình nói chung và fan trung thành của Ghibli nói riêng bằng tác phẩm A Tale From the Earthsea. Anh được kì vọng sẽ kế tục công việc của Hayao Miyazaki tại Studio Ghibli.

Nhưng bộ phim này lại không được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Lý do được cho là bởi A Tale From the Earthsea quá xa lạ với motif quen thuộc của Ghibli - tập trung khai thác vấn đề theo chiều sâu nội tâm thay vì chiều dài cốt truyện. Phải đến tận năm 2011, Goro mới nhận được sự công nhận từ khán giả với From Up on Poppy Hill - một bộ phim “đúng chuẩn” Ghibli thời bấy giờ.

Câu chuyện của Goro Miyazaki là một ví dụ cho những khó khăn mà Studio Ghibli sẽ phải đối mặt trong thời kì “Hậu Hayao”. Khán giả đã quá quen thuộc với Hayao Miyazaki và phong cách làm phim của ông, tới độ biến nó thành “quy chuẩn” để đánh giá các phim của Ghibli.

Dù không thể phủ nhận việc Hayao Miyazaki đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật trong suốt chiều dài hoạt động nghệ thuật của mình, nhưng dưới “thời đại của Miyazaki”, nhưng người xem vẫn phải thừa nhận có rất nhiều phim của các đạo diễn khác trong xưởng Ghibli tạo được tiếng vang lớn về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Chúng ta đang nhắc tới Grave of the Fireflies, Only Yesterday của Isao Takahata hay Arrietty của Hiromasa Yonebayashi… “Tiền lệ” này tạo ra cơ sở cho niềm hi vọng vào một tương lai “Tre già măng mọc” đầy tươi sáng.

A Tale From the Earth Sea - một phim ít được lòng fan Ghibli

Toshio Suzuki và Hayao Miyazaki lui vào hậu trường, nhường lại sân khấu, và cả một tương lai phía trước được xây dựng từ những nền tảng vững chãi trong quá khứ cho Yoshiaki Nishimura và Hiromasa Yonebayashi - những người được cho là sẽ tiếp quản vị trí nhà sản xuất và đạo diễn mà hai vị tiền bối đã để lại.

Trong hai năm 2013 - 2014, Studio Ghibli ra mắt khán giả hai phim hoạt hình với phong cách đối lập (tất nhiên vẫn nằm trong sự tương quan với các tác phẩm khác và phong cách chung của xưởng phim). Nếu When Marnie Was There (của đạo diễn trẻ Hiromasa Yonebayashi) thuộc thể loại tâm lý - tình cảm kể về tình bạn giữa hai cô bé ở một miền quê thanh bình, thì The Tale of the Princess Kaguya (của đạo diễn gạo cội Isao Takahata) lại mang sắc màu thần thoại.

Tuy nhiên trong khi cách thể hiện của When Marnie Was There trung thành với phong cách thường thấy của Ghibli, thì The Tale of Princess Kaguya lại thiên về lối vẽ giản lược mềm mại trên chất liệu màu nước của hội hoạ truyền thống Nhật Bản.

Tuy có những nét đối lập về thể loại, phong cách hay thậm chí cả việc hai bộ phim được làm bởi hai đạo diễn thuộc hai thế hệ khác nhau của Ghibli, chúng ta vẫn thấy được ở chúng những điểm chung. Thứ nhất, như đã nói ở phần trên của bài viết, cả hai bộ phim đều tuân thủ nguyên tắc khai thác theo chiều sâu tâm lí nhân vật thay vì chiều rộng của cốt truyện.

Yonebayashi đã kể lại câu chuyện về hai cô bé giữa vùng không gian mênh mông của núi rừng trong khi Isao tiên sinh kể về cô bé tí hon trong ống trúc và hai vợ chồng đã nuôi lớn cô. Điểm chung thứ hai, chúng đều là những bộ phim chuyển thể. Một từ truyền thuyết dân gian Nhật Bản, và một từ tiểu thuyết của nữ văn sĩ Joan G. Robinson.

Grave of the Fireflies - Một phim xuất sắc của Ghibli không do Hayao Miyazaki đạo diễn

Có lẽ thay vì việc ngồi điểm lại tên những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học của Ghibli, chúng ta nên tự nhớ lại tên bộ phim có kịch bản gốc gần đây nhất (hay cuối cùng?) của xưởng phim này là gì. Không phải The Wind Rises (2013), bởi nó được lấy cảm hứng từ câu chuyện về một người có thật, cũng không phải From Up on Poppy Hill (2011). Câu trả lời là cô bé người cá Ponyo (2008) - bộ phim thứ tám Hayao Miyazaki làm cho Studio Ghibli. Gần tám năm trôi qua, và Studio Ghibli chưa sản xuất thêm bất kỳ một bộ phim có kịch bản gốc nào!

Đây nên được coi là một bước lùi của Ghibli khi họ không sáng tạo được một cốt truyện hoàn toàn mới hay một bước đệm dài thật dài cho một cú lộn đột phá trong tương lai? Sự đột phá là thứ mà khán giả hâm mộ đều mong đợi, bởi dù những tác phẩm của Studio Ghibli vẫn đều đặn ra mắt và được đón nhận, người xem dần cảm thấy thái độ của họ khi thưởng thức chúng đã nhuốm màu mệt mỏi. Người xem cần một thứ gì đó ngọt ngào như Tottoro, dữ dội như Princess Mononoke (1997) hay hài hước như Pom Poko (1994)… Một thứ gì đó “thật Ghibli” nhưng cũng thật khác lạ so với Ghibli lâu nay.

Cảnh trong The Tale of Princess Kaguya

Mong muốn của khán giả đôi khi tự mâu thuẫn nhau đến buồn cười. Nhưng một sự đột phá là vấn đề cấp bách. Làm cách nào để tạo ra sự đột phá trong giai đoạn mới là câu hỏi có lẽ chỉ nội bộ xưởng phim tự đưa ra được đáp án trong thời gian “đóng cửa dọn nhà” - như lời Toshio Suzuki từng nói trong một cuộc phỏng vấn. Và có lẽ Studio Ghibli đã tìm được câu trả lời mà họ mong muốn khi tạo ra một sự thay đổi vô tiền khoáng hậu chưa từng có trong lịch sử của xưởng phim. Sự thay đổi mang hình dáng một “chú rùa màu đỏ”.

Ponyo - Bộ phim có kịch bản gốc gần đây nhất của Ghibli

Không phải phong cách vẽ quen thuộc, không phải cốt truyện hay phong cách kể thường thấy, thậm chí không do một đạo diễn người Nhật đảm trách. Đó là những gì khán giả được biết về The Red Turtle - Dự án phim hoạt hình sẽ ra mắt năm 2016 của Studio Ghibli. Lần đầu tiên Ghibli ra mắt một bộ phim mà cái tên biên kịch và đạo diễn đều nằm ngoài cơ cấu nhân sự của xưởng, hay nói cách khác, trong dự án này, Ghibli chỉ đóng vai trò như “bà đỡ”, hỗ trợ hai tác giả cho ra đời đứa con tinh thần của mình.

Một trong số những hình ảnh đầu tiên từ The Red Turtle

The Red Turtle càng khiến người ta hoang mang hơn khi nhớ lại tin đồn năm nào: Ghibli sẽ không sản xuất phim hoạt hình nữa. Điều gì sẽ xảy ra sau The Red Turtle là một bí ẩn. Nhưng những người hâm mộ những bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli, và cả thương hiệu này, đều có chung một mong muốn. Chúng ta chắc hẳn đều muốn được thêm nhiều lần nữa thưởng thức những bộ phim hoạt hình được làm bởi xưởng phim của những điều kỳ diệu này.

-----------------------------------------------------

Poster đầu tiên của “Ông hàng xóm Totoro”

Sau bài giới thệu về Công chúa Mononoke và Miyazaki, tôi vẫn thấy cái gì đó thiêu thiếu khi bộ phim kinh điển của ông chưa được nhắc đến; giống như giới thiệu Walt Disney và Bạch Tuyết mà không nhắc tới Fantasia.

Bộ phim đó là Ông hàng xóm Totoro (Tonari no Totoro, hay My Neighbour Totoro), một phim kinh điển của Miyazaki với đề tài giản dị. Câu chuyện bắt đầu khi hai chị em Satsuki (10 tuổi) và Mei (4 tuổi) dọn từ thành phố về quê sống. Lý do cả gia đình của hai chị em dọn về quê không được giải thích, nhưng qua các cuộc trao đổi thì người xem ngầm hiểu là mẹ của hai bé bị ốm nên phải về bệnh viện ở quê để nghỉ dưỡng (ngược với chúng ta là phải lên thành phố điều trị).

Chiếc xe tải nhỏ, chuyển đồ đạc của gia đình hai bé về quê.

Hai bé khám phá căn nhà mới.

Ngôi nhà mới của hai em nằm giữa một khoảng đất xanh tốt và ngay trước một khu rừng nhỏ. Trong quá trình dọn dẹp và chơi đùa, hai bé bắt gặp những sinh vật lạ, từ lũ lọ nghẹ đen thui, tròn như quả bóng, đến thần rừng Totoro to đùng, và chú xe-buýt-mèo với cặp mắt sáng như đèn pha.

Câu chuyện nghe rất đơn giản, và nó quả thật rất đơn giản. Cái hay của phim là nó cho người xem thấy được những việc bình thường nhất, những cái đơn giản nhất chứa đầy phép màu. Hai bé chạy lên khám phá căn gác xép của ngôi nhà mới, và phát hiện ra bọn lọ lem – một loại sinh vật bụi bặm chuyên sống trong những căn nhà hoang, nhưng khi căn nhà đầy ắp tiếng cười thì chúng sẽ tự bỏ đi.

Cô em Mei phát hiện ra con lọ nghẹ nên giơ tay đập.

Trong lúc chị lớn Satsuki đến trường, bé Mei ở nhà với bố – một giáo sư đại học, bé chạy chơi ngoài vườn và phát hiện thấy một sinh vật lạ, be bé, trắng như con thỏ bông. Mei đuổi theo và gặp được thần rừng Totoro, thế là Mei vô tư cuộn mình trên bụng Totoro rồi ngủ khò.

Bố hai bé là giáo sư nên thường hay ở nhà chấm bài, soạn giáo án; ông tiện thể trông luôn con để giúp vợ.

Trong lúc chơi ngoài vườn, Mei thấy con Totoro trắng, gọi là totoro-nhỏ (chibi-totoro) và bám theo.

Nhờ đó mà Mei gặp được Totoro lớn, bé nằm lên bụng nó ngủ. Theo Miyazaki chú thích, thì một cây xanh 1000 tuổi sẽ cho ra đời Totoro trắng, 6000 tuổi là Totoro xanh, Totoro xám to đùng như trong hình thì phải là cây 13.000 tuổi.

Cuộc sống hàng ngày như đi đôi với những điều kỳ thú. Hai bé đến thăm mẹ ở bệnh viện, nấu cơm, rửa chén, ra trạm xe buýt lúc trời mưa tầm tã để đón bố đi làm về. Bất thình lình, trong lúc chờ bố ở trạm xe, Totoro hiện ra.

Cảnh hai chị em gặp Totoro ở trạm xe buýt là một trong những cảnh đáng nhớ nhất. Một số đạo diễn quan niệm rằng phim của trẻ em phải có nhiều tình tiết nhanh, vì con nít không có đủ kiên nhẫn xem cái gì lâu. Nhưng Miyazaki quan niệm rằng nếu làm một đề tài quen thuộc và giản dị, gần gũi thì dù cho nó có chầm chậm, từ tốn, trẻ con vẫn thích thú dõi theo. Khi Totoro xuất hiện, cô chị Satsuki nín thin vì chẳng biết nói gì. Sau đó thấy tội nghiệp thần rừng phải đứng chờ xe buýt dưới mưa, Satsuki đưa Totoro cây dù. Lúc Totoro khoái chí nghịch dù thì xe-buýt-mèo xuất hiện. Nguyên cảnh này có rất ít lời thoại, nhịp điệu cũng từ tốn nhẹ nhàng, nhưng có gì đó rất quyến rũ và cực kỳ hồn nhiên.

Satsuki tặng Totoro cây dù.

Cảnh che dù này rất dễ thương. Mặt Totoro nghệt ra vì chưa quen với vật che mưa mới, nhưng sau đó tiếng nước chảy trên dù làm cậu chàng khoái chí, cười toe toét.

Xe-buýt-mèo đến đón Totoro, làm hai chị em há hốc mồm.

Miyazaki dùng màu nước để phác thảo cảnh hai chị em gặp xe-buýt-mèo. Ông thường phác thảo khung hình phim (storyboard) trước, và các họa sĩ ở Ghibli căn cứ vào đó để vẽ theo.

Nhiều bạn đọc tới đây có thể nhíu mày hỏi “Phim chỉ có thế thôi sao?”. Nó chỉ có thế thật, một câu chuyện đơn giản về hai cô bé khám phá thế giới nhỏ của mình, ngay cả cao trào ở đoạn cuối cũng gắn với một sự kiện, nhìn chung, là bình thường, có thể xảy đến với bất cứ đứa bé nào. Cái khiến trẻ con thật sự sợ hãi là: đi lạc, bố mẹ bệnh chết, hoặc thiên tai, lũ lụt v.v… Miyazaki từng nói rằng, vẽ một ngày giông báo sấm chớp, hoặc cho tình tiết bà mẹ bị ốm vào phim sẽ làm trẻ con xúc động và hồi hộp hơn là sự có mặt của một nhân vật ác độc nham nhở nào đó.

Lúc ba cha con đi tắm cũng là lúc trời bão. Hai chị em rất sợ, nhưng ông bố nói rằng chỉ cần cười to là bão sẽ chóng qua. Thế là cả nhà có một trận cười vui vẻ, no bụng. cũng vì tiếng cười này mà đám lọ nghẹ tự động bay đi mất (chắc là sẽ ám một căn nhà kém vui hơn).

Hai chị em đến thăm mẹ ở bệnh viện, một tình tiết rất cảm động.

Nhạc phim Totoro không hoành tráng như Mononoke, nhưng nếu hoành tráng thì chả hợp. Joe Hisaishi đã viết những đoạn nhạc rất vui tươi, lạc quan, và hồn nhiên cho phim; nếu có dịp thưởng thức những bản giao hưởng của Totoro trong nhà hát thì chắc ai cũng phải cười toe. Cả bộ phim cho người xem một cảm giác yêu đời, thậm chí muốn bồng con về quê nghỉ mát để hưởng không khí trong lành.


Miyazaki vẽ rất kỹ và có óc quan sát tinh tế. Ông nói rằng nhà của Nhật đa số hướng về phía Nam, nên nhìn cách bóng đổ vào nhà là sẽ biết được đó là giờ nào trong ngày, thậm chí mỗi mùa cho một loại ánh sáng khác nhau. Phim không cần nói nhiều, chỉ cần nhìn màu sắc ánh sáng là có thể biết được đấy là mùa nào, giờ nào. Đây là nhà của hai chị em dưới ánh nắng gắt của mùa hè.

Còn đây là ngôi nhà dưới ánh nắng của cuối mùa xuân.

Liệu một bộ phim về hai cô bé thích thú khám phá và trải nghiệm cuộc sống có hấp dẫn được những ai đã quen với các phim hành động, phiêu lưu, với nhiều cảnh rượt đuổi thót tim và bắn súng, đấu kiếm loạn xạ? Có lẽ với một số người thì phim này hơi chán. Nhưng nếu bạn có một chút tâm hồn trẻ thơ và tình yêu thiên nhiên thì đây là một phim tuyệt vời. Không có gì sai khi cho trẻ em (lẫn người lớn) xem những phim phiêu lưu, hành động kỳ thú; nhưng cũng chẳng có gì sai khi cho chúng xem một bộ phim đề cao những phép màu có thể tìm thấy được trong cuộc sống bình thường. Đôi lúc trẻ con tập gieo hạt và vui mừng khi thấy hạt nảy mầm; nếu bạn có con nhỏ, biết đâu nhờ xem phim này mà chúng quẳng máy Nintendo sang một bên để đi lau nhà và trồng cây? Ông hàng xóm Totoro quan niệm rằng những cái be bé cũng có ý nghĩa của riêng nó, mình chẳng cần đi đâu xa xôi để thấy những điều kỳ thú vốn lởn vởn ngay trên gác xép và trong sân vườn. Bộ phim trở thành một tác phẩm kinh điển của làng điện ảnh vì nó chú ý đến những cái mà con người trong cuộc sống hiện đại bận rộn hay bỏ qua hoặc bỏ quên.

***

Chuyện thú vị về Totoro: Sau phim này, thần rừng Totoro trở thành biểu tượng của hãng hoạt hình Ghibli. John Lasseter rất mê Totoro, sau khi gặp Miyazaki, ông quyết định rời Disney để phát triển Pixar. Trong phim Toy Story 3 của Pixar, một chú Totoro nhồi bông xuất hiện bên cạnh đám đồ chơi của nhà giữ trẻ.

Miyazaki còn làm một phim ngắn, với tựa đề Mei và xe-buýt-mèo-con (Mei and the kitten-bus), kể về chuyến phiêu lưu của bé Mei và con trai (hoặc con gái) của xe-buýt-mèo. Phim này chỉ được chiếu tại Bảo tàng Ghibli ở Nhật, không phát hành đĩa hay được chiếu ở nơi nào khác. Lần duy nhất nó được đem sang nước ngoài là vào chuyến Miyazaki đến Mỹ thăm John Lasseter, ông mang theo bộ phim ngắn này để chia sẻ với các nhà làm phim Pixar.

Mới đầu, Miyazaki định cho Mei làm con một, nhưng cuối cùng sửa thành hai chị em, đây là lý do tại sao mà poster đầu tiên của phim chỉ có hình một cô bé đứng chờ xe buýt với Totoro.

ღღ lưu giữ kỷ niệm đẹp ღღ

#hộpnhạc #hopnhac #musicbox #hopnhacmusicbox #hopnhacgo #hopnhactrongsuot #hopnhacacrylic #hopnhacDIY #hopnhacdaycot #hopnhacquaytay #phale # thuytinh #quatangtinhyeu #quatangtinhnhan #tinhyeu #tinhnhan #quatang #kyniem #quakyniem #vatkyniem #DIY

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn