[Ghibli] - VÌ SAO NÊN CHO TRẺ EM XEM PHIM HOẠT HÌNH GHIBLI

Những cô gái nhỏ đầy nghị lực

Bất cứ ai đã từng xem những bộ phim mà “trẻ con đều thích và người lớn chẳng thể rời mắt khỏi màn hình” do hãng Ghibli sản xuất thì đều không thể không yêu thế giới của Ghibli. Trong đó, có rất nhiều những cô gái nhỏ bé nhưng nghị lực “không nhỏ” khiến nhiều người khâm phục. Cùng nhau điểm qua những cái tên đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả nhé.

Công chúa San trong Princess Mononoke


San không phải là một nàng công chúa chính thức, nhưng đối với người xem, hình ảnh của cô như một Princess Mononoke cá tính mãnh liệt, một nhân vật nữ được đặc biệt yêu mến trong các tác phẩm của studio Ghibli. San bị bố mẹ ruột bỏ rơi nên được thần Sói Trắng Moro nuôi dưỡng, nhận làm con nuôi. San lớn lên cùng 2 sói con nên cô luôn nghĩ cô là một con sói hoang còn Moro là mẹ mình.

Vì lớn lên trong rừng nên San sở hữu những nét tính cách hoang dã, mạnh mẽ, dũng cảm, và cực kỳ cứng đầu. Mục đích sống của San đó là bảo vệ khu rừng. Vì vậy cô rất căm ghét loài người đã chiếm đoạt và phá hoại rừng để thỏa mãn cho những mưu cầu ích kỉ của bản thân.

Công chúa Nausicaa trong Thung lũng gió


Nausicaa - một cô gái mạnh mẽ, nhanh nhẹn, thông minh được biết đến là nàng công chúa rất yêu hòa bình của vùng Thung lũng Gió. Nausicaa luôn cố gắng để mọi người hiểu được rằng cách duy nhất để con người tồn tại là phải sống hòa hợp và là bạn với thiên nhiên chứ không phải là khống chế thiên nhiên bằng cách sử dụng vũ khí tối cổ để tiêu diệt khu rừng của các loài côn trùng khổng lồ. Để làm được điều đó cô đã tìm cách để hòa nhập với Khu rừng độc.

Cô khám phá Khu rừng và có khả năng giao tiếp được với rất nhiều loài động vật , trò chuyện với các loài sinh vật, kể cả sinh vật to lớn, "thuộc loài thân mềm", có giáp được gọi là Ohmu.

Cô bé Chihiro trong Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn


Trong lần chuyển đến ngôi nhà mới, cô bé Chihiro vô tình bị mắc kẹt trong thế giới ma thuật của những linh hồn. Để tìm cách cứu cha mẹ mình trở lại thành người sau khi bị biến thành heo, Chihiro hay còn gọi là Sen buộc phải làm việc trong nhà tắm công cộng cho phù thủy Yubaba. Dần dần, từ một cô bé thụ động, nhút nhát, hậu đậu bị mọi người kì thị là con người Chihiro ngày càng mạnh mẽ và dũng cảm hơn để hoàn thành nhiều thử thách khó khăn do Yubaba đặt ra.

Chị em Satsuki và Mei trong Hàng xóm của tôi là Totoro


Satsuki và Mei cùng với cha chuyển về vùng thôn quê và sống ở một căn nhà bị đồn là có ma ám, trong khi mẹ của hai đứa trẻ đang nằm viện chữa bệnh. Mặc dù hai chị em phải sống thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của mẹ nhưng chúng vẫn chạy nhảy, đùa nghịch, cười đùa và không mất niềm tin vào cuộc sống.

Satsuki là 1 cô bé 11 tuổi dễ thương và đầy cá tính còn Mei là em gái mới 4 tuổi luôn hiếu động, hoạt bát và can đảm của Satsuki. Satsuki tuy còn nhỏ nhưng cô đã biết chăm lo việc nhà chu đáo, thay cho người mẹ đang nằm bệnh trong khi Mei luôn tỏ ra vui tươi nhưng trong lòng cô bé rất nhớ mẹ. Đặc biệt, 2 đứa trẻ rất thân thiết và yêu thương nhau.

Cô thợ làm mũ Sophie trong Lâu đài của Howl


Sophie - một cô thợ làm mũ 18 tuổi có được tình yêu của phù thủy bí ẩn Howl nên bị Phù thủy Hoang mạc - kẻ luôn tìm kiếm trái tim của Howl để mắt tới. Mù phù thủy già đã nguyền rủa Sophie, biến cô gái trẻ xinh đẹp thành một bà lão 90. Ban đầu Sophie chưa thể chấp nhận và quen với sự thay đổi này.

Tuy nhiên, đằng sau bản tính chân chất, bình dị, chịu thương chịu khó, là hình ảnh một Sophie mạnh mẽ, sẵn sàng chiến đấu để dành lại hạnh phúc của mình và cô dần chấp nhận điều này như một cách để tự giải phóng mình khỏi lo lắng, sợ hãi và ngại ngùng.

-----------------------------

Khả năng nhận biết từ những thứ bên trong

Poster của Spirited Away

Đây là một bài liên quan đến phim hoạt hình Spirited Away (Cuộc phiêu lưu của Chihiro) của đạo diễn Hayao Miyazaki, nhưng không phải là bài bình luận. Rất nhiều người đã xem phim này, đã thích, đã khen, nhưng gần như chưa có thực sự đánh giá, phân tích. Một số người xem phim và không hiểu phim muốn nói về cái gì, số còn lại có vài nhận định về môi trường và trẻ em. Dĩ nhiên, các học giả lẫn nhà nghiên cứu nước ngoài đã viết khá nhiều bài cũng như sách về bộ phim nói riêng cũng như Miyazaki nói chung. Nhưng các bài đánh giá đó khá là hàn lâm và toàn bằng… tiếng Anh. Tôi nghĩ, cũng nên có một bài phân tích Sprited Away bằng tiếng Việt, nhẹ nhàng thôi, không động chạm tới ai cả, chủ yếu tập trung vào bộ phim.

Khi bố mẹ không hoàn hảo

Mở đầu phim, gia đình bé Chihiro chuyển nhà đến thành phố khác sống. Cô bé – giống bao đứa trẻ trước ngưỡng cửa của tuổi vị thành niên khác – tỏ ra nhăn nhó, khó chịu. Lái xe lòng vòng một hồi, bố bé đi lạc vào một khu vui chơi (theme park). Phát hiện thấy một nhà hàng bày đủ các món hấp dẫn, bố mẹ Chihiro ngồi xuống ăn dù không thấy chủ tiệm hay phục vụ đâu cả. Bé Chihiro thấy khó chịu, bảo bố mẹ đi về, nhưng bố cô bé nói “Đừng lo, bố có tiền mặt và thẻ tín dụng”. Kết quả: bố mẹ Chihiro biến thành heo.


Cảnh bố mẹ Chihiro ăn uống thô lỗ (hình như một vài bố mẹ Việt Nam cũng thế).

Chúng ta hay cho rằng thế hệ bây giờ thế này thế kia, nhưng chính những thế hệ trước cũng có những cư xử không đúng mực: quan trọng tiền bạc, thích nhậu nhẹt ăn uống. Chúng ta hay nghĩ rằng mình là những ông bố bà mẹ hoàn hảo, nhưng đôi lúc chúng ta có những hành động khiến thế hệ trẻ bực mình và khiến con cái sợ. Sẽ có thời điểm mà bố mẹ trở thành “thứ gì đó” xa lạ với con cái. Bé Chihiro bắt đầu phải trải qua một bài học bắt buộc: tự tồn tại trong một thế giới khác, nơi bé không có bố mẹ bên cạnh. Sớm hay muộn thì mọi đứa bé cũng sẽ có cảm giác này: rằng chúng không hoàn toàn 100% hợp hay đồng ý với bố mẹ, rằng bố mẹ thật khó hiểu, đáng sợ, và rằng chúng sẽ phải tự mình sống cũng như làm việc trong một xã hội xô bồ.

Chihiro, Alice, và cái thế giới phức tạp

Spirited Away và tác phẩm Alice lạc vào xứ thần tiên có nhiều điểm giống nhau. Trước hết, cả hai câu truyện đều kể về một bé gái đi lạc vào xứ sở nửa kỳ cục nửa rùng rợn mà bé chẳng hiều gì cả. Mới đầu, luật lệ của thế giới này ra thế nào thì bé làm y vậy, không có đủ đầu óc để mà thắc mắc. Chihiro gặp một cậu thiếu niên tên Haku, cậu hứa sẽ giúp cô bé tồn tại và cứu lấy bố mẹ của mình. Cậu bảo Chihiro nín thở khi đi qua cầu, thế là bé nín thở; cậu bảo Chihiro đi xin việc làm tại nhà tắm công cộng, bé nghe theo. Tại đây, các loại “quái vật” và “thần thánh” tới tắm thư giãn. Quái vật trông dễ thương có, kỳ cục có, xấu không chịu nổi cũng có.

Chihiro được Haku giúp đưa qua cầu. Cô bé bắt đầu bị đẩy vào một thế giới khó hiểu với những con quái vật khó hiểu và luật lệ phức tạp. Điều này rất giống với tâm tư của một đứa bé khi chạm phải cuộc sống thực bên ngoài đó chứ?

Khi dấn thân vào một môi trường lạ lẫm, bất cứ đứa bé nào cũng sẽ thấy lạc lõng. Nhà tắm nơi Chihiro lao động chính là một xã hội thu nhỏ, với “bà chủ” – phù thủy Yubaba – ở tầng trên, và các nhân viên, khách hàng ở dưới. Mới đầu, những người này trông chẳng khác gì… yêu quái; nhưng dần dà, Chihiro nắm bắt được bản chất của từng người. Bé Chihiro nhận ra rằng ông người nhện nhiều tay Kamajii tuy trông gớm giếc nhưng lại có tình cảm. Chihiro bắt đầu phân biệt được tốt-xấu, và biết đánh giá mọi thứ theo cái bên trong chứ không theo vẻ bên ngoài.

Ông người nhện Kamajii làm việc tại nhà tắm của Yubaba. Mới đầu nhìn thì ai cũng sẽ khiếp, nhưng Chihiro đã nhận ra bản chất thật của Kamajii là một người tốt bụng.

Miyazaki từng nói rằng cuộc sống không chỉ đơn giản là “cái thiện thắng cái ác”, hay cái gì cũng đẹp; mà trong cuộc sống này, cái xấu có, cái tốt có; chúng ta luôn sống chung với tốt và xấu, nên điều quan trọng là nhận ra cái tốt. Sẽ tới lúc trẻ em lớn lên và đụng phải những cái gì kỳ cục, khó hiểu, nhưng từ từ rồi chúng sẽ hiểu. Chỉ cần để trẻ con biết cách nhận ra người tốt, biết lao động, thì chúng sẽ trở nên tự tin và sẽ tỏa sáng dù chúng có bị ép phải sống ở đâu đi chăng nữa.

Những thứ mất mà không mất

Những đạo diễn giỏi luôn có phong cách riêng, Speilberg làm phim theo kiểu Speilberg, còn Miyazaki làm phim theo kiểu Miyazaki, và phim của ông luôn có chung một ý nghĩa: những thứ chúng ta nghĩ rằng đã mất đi thực sự không hề mất đâu cả, chúng vẫn tồn tại. Chúng ta hay cằn nhằn rằng truyền thống ngày càng mai một, thiên nhiên ngày càng ô nhiễm. Miyazaki thì tin rằng chúng vẫn còn đó.

Trong “Spirited Away“, Chihiro phải giúp một ông khách tắm rửa sạch sẽ. Mới đầu, ông khách này bốc mùi, cơ thể mặt mũi chả khác gì đống bùn, nhưng sau khi được Chihiro và các nhân viên trong nhà tắm chung sức “tẩy uế”, vị khách hiện nguyên hình là một thần sông sạch sẽ. Bộ phim muốn nói con người đã làm ô nhiễm sông ngòi đến nỗi chẳng ai nhận ra sông là… sông, nhưng cũng ngụ ý rằng con sông thật ra chẳng mất đi đâu cả, vẫn còn đó, nếu chúng ta cùng nhau dọn rác, con sông xanh trong sẽ quay trở lại. Sau khi tắm xong, thần sông cũng thưởng cho Chihiro một món quà quý. Đây cũng là một điều mọi đứa trẻ nên học: nếu biết yêu và chăm sóc thiên nhiên, chúng sẽ được nhận lại nhiều điều hay ho.

Chihiro và thần “sông ô nhiễm”

Nhưng sau khi được mọi người chung sức tẩy rửa, sông ô nhiễm biến lại thành sông xanh sạch.

Miyazaki hay đặt niềm tin vào trẻ con. Ông tin rằng, nếu chúng ta có những đứa bé như Chihiro, những cái hay, cái đẹp, và tài nguyên thiên nhiên sẽ không mất đi. (Chỉ những người như bố mẹ bé mới làm mất hết mọi thứ). Trẻ con sẽ khiến một ngày nào đó, thiên nhiên quay trở lại, và theo đó truyền thống, cội nguồn cũng quay về.

Khả năng nhận biết và những thứ từ bên trong

Truyện Alice lạc vào xứ thần tiên và Spirited Away có một kết thúc khá giống nhau. Bé Alice tìm ra đường về nhà sau khi hiểu ra mụ nữ hoàng độc ác không phải là nữ hoàng mà là một quân bài. Bé Chihiro cứu được bố mẹ vì bé nhận ra: bố mẹ không phải là heo. Bé thành công chẳng phải vì bé làm ra chuyện gì quá to tát như chiến thắng yêu quái hay cưới được hoàng tử, mà là vì bé tìm ra sự thật, và tự tin vào những gì mình hiểu là đúng là sai.

Cả bộ phim là một cuộc “đào thoát” của trẻ con. Thay vì bị bố mẹ ép “trở thành một người nào đó”, trẻ con đã tự khám phá ra những tiềm năng nằm sâu bên trong tâm hồn chúng; hoàn cảnh xô đẩy khiến chúng biết tự đánh giá, tự nhận biết sự thật của xã hội và cái đẹp trong thiên nhiên.

Bé Chihiro sung sướng đoàn tụ với gia đình sau khi vững vàng tìm ra được sự thật và nhìn thấy sự thật.

Chihiro tìm ra sức mạnh tiềm ẩn trong cơ thể mình, từ đó bé nhìn ra ma không phải là ma, và cái xã hội phức tạp, xô bồ mà bé bị đẩy vào đây che đậy bao nhiêu điều tốt đẹp. Khi “hiểu ra vấn đề” rồi thì cái phức tạp cỡ nào cũng sẽ hóa đơn giản, kể cả đó là thế giới của ma.

Nhiều nhà phê bình cho rằng đây là một bộ phim về một cô bé học cách “lớn lên”, nhưng theo tôi, đây là bộ phim về một cô bé tìm thấy những thứ “luôn tồn tại lù lù trước mặt nhưng không ai nhận ra”, những thứ nằm bên trong tâm hồn của bé, trong thiên nhiên, ngoài xã hội, những thứ tốt cũng như những thứ xấu. Và bé chọn thứ tốt để hướng tới, trưởng thành.

-----------------------------

Gắn kết tình cảm gia đình

Poster phim “Gia đình nhà Yamada”

Như một số phim của Ghibli khác, thoạt đầu Gia đình Yamada trông như một tác phẩm chẳng kề về chuyện gì to lớn. Cả phim xoay quanh một gia đình rất đỗi bình thường với cái họ cũng khá phổ biến ở Nhật. Nhà Yamada có ông bố Takashi, mẹ Matsuko, cậu con trai Noboru, cô con gái Nonoko, bà ngoại Shige, và chó cún Pochi. Gia đình Yamada không có câu chuyện lớn xuyên suốt, mà thành hình bằng cách ghép nhiều mẩu chuyện nhỏ lại vào nhau, y kiểu truyện tranh Doraemon thời xưa.

Gia đình Yamada với bố mẹ, hai con và bà ngoại.

Một số mẩu chuyện rất đáng nhớ, ví dụ đoạn bé Nonoko đi lạc, cả nhà cuống lên tìm. Một số mẩu chuyện thì kể lại chi tiết vụn vặt hàng ngày, như lúc bà mẹ cằn nhằn sao con không chịu chăm học, hoặc lúc bố mẹ giành nhau cái rờ-mốt ti-vi. Chắc cũng tại phim kể theo từng “chương” nhỏ giống truyện tranh đăng báo hồi xưa mà đạo diễn Isao Takahata chọn dùng màu nước để vẽ nên tác phẩm. Kết quả là một bộ phim rất “mềm”, ấm áp từ đầu tới cuối. (Isao thích sự nhẹ nhàng của màu nước đến độ ông tiếp tục sử dụng nó trong phim tiếp theo – Nàng công chúa trong ống tre).

Chú cún Pochi trước cửa nhà Yamada. Màu nước quả rất phù hợp với phim này, phần nào làm tôi nhớ tới cuốn truyện tranh “Nhóc Maruko” nữa. Kiểu vẽ đơn giản như trẻ con nhưng đúng tông với nội dung câu chuyện.

Một vài bạn có thể nghi ngờ độ hấp dẫn của Gia đình Yamada, do nó tập hợp các câu chuyện nhỏ lẻ của một gia đình bình thường, chẳng có hoàng tử hay quái vật tàn phá thế giới. Nhưng chính vì vậy mà phim rất hợp để xem trong mùa này.

Đầu tiên, Gia đình Yamada hài từ đầu chí cuối, mà gia đình thì gần như đất nước nào cũng có điểm chung, đặc biệt Nhật cũng là nước châu Á giống ta. Thế nên cái sự trớ trêu hài hước diễn ra trong nhà Yamada nhìn chung rất đỗi quen thuộc, hầu như ai cũng hiểu để mà cười được. Nếu có cả họ hàng cùng xem, không chừng mỗi thành viên sẽ tâm đắc từng “chương” riêng biệt, để rồi sau đó ông bà cha mẹ tha hồ lôi cảnh mình thích ra bàn cho rôm rả. Như tôi khoái đoạn ông con Noboru toan vào hiệu sách tìm tạp chí có người mẫu bận áo tắm, xun rủi thế nào gặp phải cô bạn cùng lớp, cu cậu sợ quê nên đành nhanh tay chộp cuốn khác. Đứa em họ thích cảnh bà mẹ Matsuko vò đầu nghĩ xem tối nay ăn gì, để rồi nấu lại cái món hôm qua vừa nấu xong. Xem phim, trò chuyện với đứa em mới nhận thấy rằng nhà mỗi người mỗi sở thích, mỗi tính hâm đơ khác nhau. Nhưng chính vậy mà khi sống chung một chỗ chuyện vừa bi vừa hài nó lòi ra.
Đoạn ông bố và bà mẹ tranh nhau xem ti-vi cũng buồn cười. Nhà nào từng trải qua thời “có mỗi một cái ti-vi” sẽ thấm lắm.

Vậy mới biết, tình cảm gia đình có lúc nằm ở khả năng biến những cái thối, những tính quái đản của nhau thành cái hài. Gia đình Yamada rất buồn cười, và quen thuộc tới mức người xem nhận ra rằng nhà mình cũng buồn cười y thế.

Hình thức “từng câu chuyện nhỏ” này cũng rất tiện để chúng ta xem, nhất là trong hoàn cảnh bận rộn trước Tết. Bao lần tôi đang xem phim hành động tâm lý, mạch phim đang liên tục, đang hấp dẫn mà dùng cái có người gọi điện, hoặc phải bỏ đi làm chuyện gì khác là muốn phát điên. Lúc quay lại với phim thì hết xừ hồi hộp. Gia đình Yamada không thế, người xem có thể dừng giữa chừng để đi tiếp khách hoặc đi nấu cơm nấu tiệc, xong rồi quay lại xem một mẩu chuyện khác. Từng mẩu cũng không quá dài, người bận bịu vẫn có thể bỏ ra khoảng 5 phút xem cùng con cháu, ngày hôm sau xem tiếp, chẳng vấn đề chi. Mẩu nào cũng vui hết.
Ngay cả đoạn đạo diễn Isao diễn giải hôn nhân của cặp vợ chồng Yamada cũng hài lắm, lúc sóng gió như đi biển, lúc nhẹ nhàng như cưỡi mây.

Tất nhiên không đạo diễn nào hoàn hảo với mọi người, Isao Takahata khó nuốt ở chỗ phim của ông thường Nhật quá xá Nhật, ai không hiểu rõ văn hóa Nhật là sẽ chẳng thích mấy. Gia đình Yamada cũng có vài đoạn như vậy, ví dụ như đoạn cô con gái Nonoko tưởng tượng thấy mình sinh ra trong ống tre, nhưng chúng không nhiều, và các đoạn còn lại rất dễ nắm bắt – đặc biệt nếu so với tác phẩm đậm điển tích điển cố Nhật như Pom Poko, tác phẩm khó xem nhất của Isao và của Ghibli.

Bé trai Noboru sinh ra từ quả đào, bé gái Nonoko sinh ra từ ống tre – chi tiết liên quan đến truyện cổ tích của Nhật. Tuy nhiên nói cho cùng mấy truyện này cũng quen thuộc. Ngay cả khi không biết truyện gốc, khán giả vẫn có thể thấy phim hay.

Đứa bạn thân của tôi rất thích cảnh bà ngoại Shige than thở rằng chẳng biết mình còn sống được bao lâu để ngắm hoa anh đào nở, thế là Matsuko bèn an ủi, “Mẹ mới 70, còn trẻ mà”. Bà ngoại thở dài bảo, “Ừ, chắc ngắm hoa được 30 lần nữa là cùng”, khiến Matsuko phờ mặt ra. Đoạn này buồn cười và dễ hiểu vì chuyện người Nhật nổi tiếng sống lâu là điều ai cũng biết. Nếu đọc được Doraemon là sẽ xem được Gia đình Yamada, do “chất địa phương” của phim không ảnh hưởng gì đến niềm vui thưởng thức của khán giả hết. Không chừng người xem còn thấy thích nữa, phim Nhật lại trình bày không nổi văn hóa Nhật chẳng phải quá chán sao.

Ghibi có nhiều phim phù hợp với trẻ em, nhưng hài từ đầu chí cuối chắc có mỗi Gia đình Yamada. Nội dung không những nhẹ nhàng mà cách trình bày cũng tiện đủ đôi đường, giúp một gia đình bận rộn dễ chia phim thành nhiều “kỳ”và xem cùng nhau. Tuyệt thế còn gì.

ღღ lưu giữ kỷ niệm đẹp ღღ
#hộpnhạc #hopnhac #musicbox #hopnhacmusicbox #hopnhacgo #hopnhactrongsuot #hopnhacacrylic #hopnhacDIY #hopnhacdaycot #hopnhacquaytay #phale # thuytinh #quatangtinhyeu #quatangtinhnhan #tinhyeu #tinhnhan #quatang #kyniem #quakyniem #vatkyniem #DIY

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn