[Ghibli] - MAKOTO SHINKAI LÀM PHIM VÌ YÊU THÍCH HAYAO MIYAZAKI

Sau những bài tổng hợp phim của ông Miyazaki, mọi người có vẻ còn muốn biết thêm nữa về phim của ông. Nhưng bài phỏng vấn của ông đã có, bài giới thiệu các phim khác của Ghibli cũng có luôn. Trong tình cảnh vị siêu đạo diễn này (lại) tuyên bố nghỉ hưu, tôi nghĩ sau khi xem hết phim của ông thì ta nên đi kiếm… phim ông khác mà xem. Chứ cho dù Miyazaki có quay lại làm việc thì ông cũng chả sống mãi để làm phim được, nên ta phải bắt đầu tìm đến các tài năng mới là vừa.

Miyazaki có ông con tên Goro, nhưng Goro làm phim không hay bằng, và chẳng ma nào nghĩ Goro có thể thay thế bố. Đạo diễn hoạt hình trẻ mà dân Nhật (lẫn thế giới) đang hy vọng rằng sẽ lấp được chỗ trống của Miyazaki là Makoto Shinkai.

Anh Makoto Shinkai

Makoto sinh năm 1973, con đường đến với phim hoạt hình của anh không “chính thống” cho lắm, nhưng điều đó lại khiến anh đặc biệt. Makoto đầu quân cho hãng sản xuất… trò chơi game điện tử trong 5 năm, rồi anh dùng kinh nghiệp làm game để tự thân sản xuất một phim hoạt hình ngắn (độ 5 phút) tên “She and her cat” (Cô ấy và con mèo). Bộ phim nhận nhiều lời khen ngợi và thắng một số giải phim ngắn, nên Makoto nhận được ít vốn từ tiền thưởng, anh rời công ty game để ngồi nhà vẽ phim tiếp.

Thông tin ngoài lề: bạn bè của Makoto ở Nhật đã rất ngạc nhiên khi anh bỏ công ty game; vì ở Nhật, công việc tại các hãng game ổn định hơn, và nhân viên được đãi ngộ tốt hơn là tại các hãng hoạt hình (ai mà xem phim tài liệu về hãng Ghibli sẽ thấy, Miyazaki lẫn nhân viên của ông phải ngồi vẽ tới 1, 2 giờ sáng).

1. She and Her Cat (Cô ấy và con mèo)

Phim “She and her cat” là phim hoạt hình đen trắng, Makoto kể về quyết định dùng gam màu này: “Tôi dùng màu đen trắng vì điều kiện hơn là vì ý tưởng thết kế. Tôi thực hiện bộ phim này vào năm 1998, thời ấy thật khó để (tự thân) làm phim hoạt hình màu bởi công nghệ lúc bấy giờ khá thiếu thốn. Dung lượng phim màu chiếm gấp 3 lần trong ổ cứng máy tính, và cũng khiến máy của bạn chạy chậm gấp 3 lần; chưa kể, vào thời gian làm phim này thì tôi vẫn còn làm việc (ở hãng game), nên tôi phải giảm tải các quy trình phức tạp.”

Một cảnh của “She and her cat”

Nhưng dù đen trắng, tác phẩm được khen là vẽ rất chi tiết. Makoto giải thích: “Tôi vừa làm phim vừa làm một game nhập vai cho công việc chính (Role playing game, nghĩa là người chơi nhập vai một nhân vật nào đó, chơi theo cốt truyện của nhân vật, đây là loại game rất phổ biến và cũng rất… tốn tiền). Trong các game nhập vai giả tưởng, cảnh nền phải giàu có và chi tiết. Thêm nữa, tôi sống trong một căn hộ Nhật nhỏ bé, và xung quanh là các cột điện xi măng với lằng nhằng dây nhợ. Đấy cũng là cảnh thường gặp nếu bạn sống trong một không gian hẹp. Nhưng dù xung quanh là những mớ bùi nhùi xấu xí, tôi vẫn muốn tìm ra cái đẹp. Tôi cố vẽ chi tiết và vẽ đẹp để diễn tả rằng sống ở nơi như vậy cũng chẳng có gì xấu.”

Cảnh “lằng nhằng dây nhợ” trong phim

2. Voices of a distant star (Những tiếng nói của một vì sao xa)

Với số vốn từ “She and her cat”, Makoto tự làm một phim ngắn tiếp theo, tên “Voices of a distant star”, dài 25 phút. Anh mua một chiếc máy tính Mac xịn, tự vẽ (lần này là vẽ màu), anh cùng vợ tự lồng tiếng cho phim luôn. Đây là một tác phẩm giả tưởng, kể về cô thiếu nữ Mikako và anh bạn Noboru; Mikako gia nhập quân đội để chiến đấu ngoài vũ trụ, còn Noboru ở Trái đất. Tuy Mikako thường xuyên nhắn tin với Noboru, nhưng 1 ngày ngoài vũ trụ bằng 8 năm ở trái đất, nên khoảng cách giữa hai người ngày càng xa.

Một cảnh của phim. Phong cách của Makoto khá là “digital” (vì anh tự làm một mình trên máy), nhưng ai cũng khen là màu sắc trong phim rất đẹp, và Makoto xử lý ánh sáng rất tài. Tuy là đây phim ngắn tự làm, nhưng nếu có cơ hội load bản HD về nhà coi màn hình to thì xem sẽ vô cùng sướng. Nếu không giỏi kỹ thuật, đành lên youtube coi vậy, các phim ngắn của Makoto trên youtube có hết.

Bộ phim nổi lên như một hiện tượng, và ai cũng bất ngờ trằng Makoto có thể tự làm một phim oách thế. Anh nói về cảm hứng cho cốt truyện phim: “Một trong những lý do tôi dùng công nghệ điện thoại trong phim này là vì khi tôi thực hiện nó, nhắn tin cũng như gửi email bằng di động đang thịnh hành ở Nhật. Lúc ấy tôi hay nhắn tin cho bạn gái. Dù tin nhắn thường tới ngay, nhưng có lúc tin đến chậm, và phải mất một thời gian thì tôi mới nhận được hồi âm. Tôi tự hỏi tại sao tin đến lâu thế, trong khi cả tôi lẫn bạn gái đều sống gần Tokyo. Tôi có cảm giác rằng có một khoảng cách thật xa giữa cảm xúc của nàng và cảm xúc của tôi.”

Hai nhân vật Mikako và Noboru trong phim

Cái yếu tố “cảm xúc đối đầu với sự tàn phá của không gian/thời gian” sau đấy thường xuyên xuất hiện trong các phim của Shinkai, có thể nói nó bắt nguồn từ việc… nhớ bồ (hiện nay là vợ), nhìn chung Makoto rất tình cảm.

3. The place promised in our early days (Vùng đất hứa thời ta còn trẻ)

Do “Voices of a distant star” quá thành công, nên Makoto tiếp tục nhận tiền thưởng/tiền tài trợ. Anh đã có đủ lực để mướn nhân sự, và bắt đầu làm những phim dài hơn cùng nhóm của mình. Tác phẩm tiếp theo là “The place promised in our early days”, kể về một nước Nhật hư cấu. Trong phim, nước Nhật bị chia cắt thành hai vùng Nam, Bắc sau Thế chiến thứ 2. Ba người bạn Hiroki, Takuya, và Sayuri tuy sống ở phía Bắc, nhưng thành phố của họ lại gần vùng biên giới miền Nam. Cả ba ngày nào cũng ngắm tòa nhà cao ngất nằm ở lãnh thổ phía Nam; sau khi biết Sayuri muốn đến tòa nhà này, Hiroki và Takuya hứa sẽ chở cô bé tới đó khi cả ba thành người lớn, dù biết rằng công dân phía Bắc không thể nào bén mảng đến phía Nam dễ dàng như thế.

Ba nhân vật trong một cảnh phim, với tòa nhà cao ngất ở phía xa. Phim này Makoto có lực đầu tư nên anh phát huy tối đa khả năng vẽ cảnh nền vốn là “tủ” của mình.

Trạm chờ xe điện trong phim

Đó là lời hứa khi bộ ba còn trẻ, nhưng lúc lớn lên, mọi chuyện sẽ ra sao?

Bộ phim phải nó là rất đẹp, nhưng nhận nhiều lời khen chê lẫn lộn. Có người mê nó, có người bảo phim gì… nhảm quá. Cốt truyện phim tuy hay nhưng cách sắp xếp hơi lung tung, Makoto giải thích: “Có rất nhiều thử thách, tôi cứ vấp váp mãi với khâu kịch bản và storyboard (vẽ phác họa các cảnh trong phim), vì ‘Voice of a distant star‘ là phim tự làm còn ‘The place promised..’ là tôi làm với nhóm, nên cách sản xuất phim khác hẳn. Nhưng cũng vì (có thêm người) mà tôi không gặp trở ngại gì trong việc thiết kế nhân vật và xử lý chuyển động. Đạo diễn hình ảnh Tazawa giải quyết rất nhiều khó khăn trong các bước làm phim. ‘The place promised…‘ cũng là dự án lớn đầu tiên của Tazawa, nên anh cũng gặp nhiều thử thách như tôi. Thật là cảm ơn anh Tazawa không hết.”

Cảnh lái máy bay đến tòa nhà. Makoto nói rằng anh rất thích Miyazaki, nhất là phim “Laputa”, nên ai khoái Miyazaki sẽ tìm thấy một số chi tiết mang âm hưởng Ghibli trong phim Makoto, tuy nhiên chúng không “giống y chang”, phim của Makoto vẫn có nét riêng của anh, có thể nói tác phẩm của anh là tác phẩm thuộc thế hệ mới, tuy khác lạ nhưng vẫn không quên nguồn cảm hứng từ thế hệ cũ.

Dù có một số ký kiến chê, tác phẩm này vẫn đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Sẵn tính đa nghi, Makoto cho rằng anh thắng giải vì anh là người “ngoài luồng” nên được hội đồng giám khảo thương. Anh hứa rằng sau này sẽ làm phim tốt hơn nữa.

4. Centimeters per second (Năm centi-mét một giây)

Một phim biến Makoto từ kẻ ngoài luồng thành… hết ngoài luồng.

Giống các phim trước đây của Makoto, tác phẩm này xoay quanh một lời hứa của đôi bạn trẻ, vấn đề thời gian/không gian mà họ phải đối đầu khi lớn lên. Lần này, cặp tình nhân “kém may mắn” là Takaki và Akari. Cả hai quen nhau từ nhỏ nhưng sau đấy Akari phải dọn đi đến nơi khác. Makoto nói rằng, anh hay làm kiểu phim buồn buồn với nhiều cảm xúc ưu tư “người lớn” này là do ảnh hưởng từ tiểu thuyết của Murakami – nhà văn yêu thích của anh.

Akari đọc sách tại trạm xe điện

Tuy mô-típ không mới nhưng cách làm phim, cách xử lý câu chuyện lại mới. Và chắc do đã quen việc làm phim theo nhóm, mà phim này Makoto vững chãi hơn hẳn, truyện phim mạch lạc hơn. Nếu bạn cho rằng mấy phim đầu của anh này hơi ngô nghê, thì từ “5 centimeters…” trở đi là các tác phẩm của Makoto đã trưởng thành.

Vốn dĩ đã giỏi phần xử lý ánh sáng và độc đáo với cảnh nền “vừa vẽ tay vừa digital”, mà phim này Makoto đã quen làm việc cùng tập thể dưới cương vị “chỉ huy”, nên cảnh vật trong phim nhìn còn đã mắt hơn mấy phim trước nhiều.

Cảnh hoa anh đào nở vào đầu phim

Cảnh vào cửa hành bên đường mua nước vào buổi chiều khi tan học về

Lúc này, lắm người thắc mắc tại sao Makoto thích vẽ các cảnh như: bầu trời đêm, vũ trụ, giải ngân hà. Anh giải thích: “Takaki, nhân vật nam chính, mơ về cô bạn gái ở nơi xa. Trong phim có cảnh Takaki và cô bạn đang sống ở một hành tinh khác, ý nghĩa của nó là anh ta muốn sống cùng cô dù cô đang cách anh hàng ngàn dặm. Nhưng các hình ảnh ấy có nguồn gốc hơi khác chút. Khi tôi còn học trung học tôi cứ hay mơ rằng mình bị lạc trên một hành tinh lạ.

Và cũng vào thời trung học, tôi nghiền truyện khoa học giả tưởng, và tôi hay đọc tạp chí khoa học ‘Newton’. Ngày nay, hình ảnh trên tạp chí này thường là hình vẽ trên máy tính, nhưng thời đó chúng là hình vẽ tay, tôi thấy chúng thật ngầu. Nên tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cái giấc mơ (lạc ở hành tinh khác) và các bức tranh khoa học vẽ tay đó.”

Akari và Takaki tại ‘một hành tinh khác’

5. Journey to Agartha* (Phiêu lưu đến xứ Agartha)

Đây là phim phiêu lưu viễn tưởng đầu tiên của Makoto, và đậm chất Miyazaki. Vào thời điểm này, ai cũng gán cho Makoto biệt danh “Miyazaki mới”, và do phim “Agartha” có nhiều điểm giống với mấy phim Ghibli khác nên Makoto liên tục nhận các câu hỏi về Miyazaki trong các cuộc phỏng vấn. Anh nói: “Tôi công nhận ( phim mình có nhiều điểm giống phim của Miyazaki), đặc biệt là phim ‘Agartha’. Nhưng nói chung, Miyazaki là cái tên lớn nhất của ngành công nghiệp hoạt hình ở Nhật, nên dù bạn làm cái gì trong ngành công nghiệp này, né tránh sức ảnh hưởng của ông là việc bất khả.”

Trong phim này, nhân vật chính là một cô bé tên Asuna, bố bé mất sớm và bà mẹ thì luôn bận rộn với công việc, nên Asuna hay leo lên đồi ngồi nghe radio một mình. Chiếc radio của Asuna là loại radio cổ lỗ – kỷ vật của bố bé để lại trước khi ông mất.

Bé Asuna

Ngày nọ, một cpn quái vật thình lình tấn công Asuna, và chàng trai bí hiểm tên Shun đã cứu cô bé thoát chết. Shun nói rằng mình đến từ Agartha, và hôn tạm biệt cô bé. Sau khi Asuna đi khuất khỏi tầm mắt, Shun tự tử.

Con quái vật trong phim

Asuna và Shun

Không tin rằng Shun đã qua đời, Asuna quyết định tìm đường đến Agartha để gặp lại Shun.

Makoto nói về phim này: “Tôi xây dựng Agartha dựa trên các nền văn hóa cổ của thế giới, bao gồm cả văn hóaẤn độ cũng như Trung Đông. Các ảnh hưởng của những nền văn minh xưa đều có trong Agartha. Tôi đang sống ở London trong thời gian viết kịch bản, nên tôi có cơ hội đến Bảo tàng Anh. Tôi xem rất nhiều các hiện vật cổ, và chúng là nguồn cảm hứng lớn cho kịch bản của tôi.”

Asuna ở xứ Agartha kỳ bí

Anh giải thích thêm về ý nghĩa của phim: “Người dân xứ Agartha cho rằng cái chết là chuyện buồn, nhưng cũng là chuyện bình thường; chết là một phần của sự sống, không ai thoát được nó và ai cũng phải có lúc ra đi. Giờ đây tôi đã có tuổi, tôi có thể nghĩ về cái chết dễ dàng hơn; cái chết gần với tôi hơn và tôi có thể chấp nhận rằng nó là một phần của cuộc sống. Nhưng độ 15 năm trước, tôi cảm thấy cái chết thật xa vời, nếu như có ai đó nói với tôi rằng chết là một thứ không thể tránh khỏi vào lúc đó, tôi sẽ hoặc không hiểu hoặc không chấp nhận được điều này.”

Những bé còn quá nhỏ có thể không hiểu được phim Agartha, nhưng teen và người lớn chắc chắn sẽ thích tác phẩm phiêu lưu giàu ý nghĩa này.

Makoto vừa ra mắt phim mới, có tên “Gadern of Words” (Khu vườn chữ), trong phần 3 sẽ giới thiệu phim này, kèm theo một bài phỏng vấn để mọi người biết nhiều hơn về cách Makoto xử lý câu chuyện, kỹ thuật, và ánh sáng cho phim nhé.

Chú thích: Phim Agartha có nhiều tên, ở Nhật tên chính thức là Hoshi o Ou Kodomo (tạm dịch là “Những đứa bé ngắm sao” thì phải? Bạn nào biết rành tiếng Nhật xin chỉ giáo), bên Mỹ dịch tựa phim thành “Chilren who chase lost voice from down below”, bên Anh thì là “Journey to Agartha”.

ღღ lưu giữ kỷ niệm đẹp ღღ
#hộpnhạc #hopnhac #musicbox #hopnhacmusicbox #hopnhacgo #hopnhactrongsuot #hopnhacacrylic #hopnhacDIY #hopnhacdaycot #hopnhacquaytay #phale # thuytinh #quatangtinhyeu #quatangtinhnhan #tinhyeu #tinhnhan #quatang #kyniem #quakyniem #vatkyniem #DIY

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn