[Ghibli] - PHONG CÁCH LÀM PHIM CỦA STUDIO GHIBLI

Sau khi giới thiệu về phim của Miyazaki, bạn Rosie có ý muốn tìm hiểu thêm về các phim còn lại của hãng Ghibli. Những tác phẩm này rất hay, nhưng hơi ít tư liệu “ngoài luồng” để người đọc biết thêm về quá trình làm phim. Sau đây là những gì mình thu nhặt được từ đó tới giờ, bạn nào biết thêm thông tin gì thì vui lòng bổ sung nhé.


1. Grave of the Fireflies (Mộ đom đóm), 1988

Vào thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 tại Nhật, sau khi bố gia nhập quân đội và mẹ thiệt mạng vì bom của quân đồng minh, hai anh em Seita và Setsuko dựa vào nhau để sống sót. Nhà phê bình Roger Ebert đưa “Ông hàng xóm Totoro” và “Mộ đom đóm” vào danh sách 100 phim hay nhất mọi thời đại, và tác phẩm cũng nằm trong danh sách những phim chiến tranh hay nhất.

Seita và Setsuko trong “Mộ đom đóm”.

Đây là một phim kinh điển nhưng… buồn kinh khủng; cùng với Totoro và Spirited Away, Mộ đom đóm là một đại tuyệt tác của Ghibli. Lúc mới công chiếu, các rạp quyết định bán 1 vé nhưng cho khán giả xem 2 phim: Mộ đom đóm và Totoro. Họ chiếu Mộ đom đóm trước, rồi khuyên khán giả ở lại xem tiếp Totoro; vì Mộ đom đóm thảm quá, nên các rạp nghĩ rằng sau đó khán giả cần xem một phim vui tươi như Totoro để lấy lại tinh thần (mà đúng vậy thiệt, bạn nào đang tính xem phim này thì hãy chuẩn bị Totoro trước nhé, không là khỏi ăn cơm).

Cảnh bé Setsuko đang đói. Tôi định bụng viết bài giới thiệu phim này nhưng sợ sẽ khóc ướt hết bàn phím nên chưa có đủ can đảm.

Mộ đom đóm do Isao Takahata đạo diễn. Isao là người đồng sáng lập nên hãng Ghibli cùng Miyazaki. Tuy thân thiết, nhưng phong cách làm phim của Isao và Miyazaki khác hẳn nhau. Miyazaki thiên về giả tưởng, phép thuật, và trí tưởng tượng; Isao thì theo chủ nghĩa hiện thực. Vì cách làm phim quá thẳng thắn nên một nửa những tác phẩm của Isao khiến dân tình khóc thút thít, nửa còn lại thì người Nhật rất khoái nhưng người nước ngoài thường không hiểu gì hết do không hiểu sâu văn hóa Nhật.

2. Only Yesterday (đây là tựa tiếng Anh phổ biến của phim, theo đúng tiếng Nhật thì hình như nó là “Mưa ký ức”), 1991

Taeko, một nhân viên văn phòng sống ở Tokyo, quyết định làm một chuyến du lịch về miền quê làm nông dân một thời gian nhằm thay đổi không khí. Trong kỳ nghỉ, Taeko bỗng nhớ lại những kỷ niệm lúc còn là cô bé học lớp 5 – lúc bọn con trai cũng khó hiểu y như mấy bài toán.

Taeko thích thú với công việc đồng áng.

Tác phẩm này cũng do Isao Takahata đạo diễn, và cũng rất cảm động dù nó không buồn. Taeko là hiện thân của một Nhật Bản giằng xé giữa những truyền thống, ký ức xưa cũ và thế giới hiện đại. Nhưng phải gỡ rối các khúc mắc thời thơ ấu thì Taeko mới có thể tiếp tục lựa chọn hướng đi cho mình trong tương lai. Ai cũng nghĩ rằng với nội dung này thì làm phim người đóng cũng được, hoạt hình chi cho mất công vẽ, nhưng Isao cho rằng phải là hoạt hình thì ông mới bộc lộ hết những cảm xúc của nhân vật theo ý ông muốn.

Bé Taeko thời còn học lớp 5 (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng chị, mẹ, và bà nội. Đây là cảnh cả nhà ăn dứa rất dễ thương của phim, vì lúc này Nhật bắt đầu nhập khẩu trái cây nên gia đình Taeko đang tò mò trước loại trái cây lạ, muốn ăn thử nhưng không biết… cách gọt.

3. Pom Poko, 1994

Đám chồn Nhật Tanuki có phép biến hình đang bàn cách để chống lại dự án phá rừng xây nhà ở của loài người. Đây là một phim rất Nhật, tràn ngập điển tích điển cố về văn học Nhật, truyện cổ tích Nhật, tranh Nhật, tình hình chính trị (vào thời đó) của Nhật.

Đám chồn Tanuki tụ họp để biến hình và chơi oẳn tù tì.

Đây là phim có ít fan quốc tế nhất của Ghibli, bởi nếu không thật sự rành Nhật thì xem sẽ chẳng hiểu; phim này cũng do Isao Takahata đạo diễn nên dù có chút xíu giả tưởng hay phép thuật, nó vẫn vô cùng thực tế. Thực tế đến độ mỗi con chồn đực, ông đều vẽ cho chúng… hai hòn bi, làm khán giả nước ngoài vừa xem bi bự vừa nhột nhột.

Các chàng chồn đực trong phim.


Cảnh mấy chú chồn biến bi thành… dù lượn. Ớ! Ai mà rành về tranh khắc gỗ của danh họa Utagawa Kuniyoshi (1797 – 1862) thì cũng biết rằng ông vẽ đầy cảnh chồn Tanuki biến bi thành lưới bắt cá, thành dù v.v… Nhưng người Nhật xem thì họ hiểu, còn ai không rành thì chỉ có nước ngồi cười trừ.


Một tác phẩm của Kuniyoshi

4. Whisper of the Heart (Lời thì thầm của trái tim), 1995

Trong lúc đang hoang mang chưa tìm được hướng đi cho tương lai, cô bé Shizuku 14 tuổi phát hiện thấy một con mèo hoang rất ngộ nghĩnh trên xe điện. Đi theo con mèo, cô bé đặt chân đến một tiệm đồ cổ thú vị nằm khuất tại một góc phố. Shizuku gặp ông chủ tiệm Shiro Nishi, và thích mê bức tượng cổ tạc hình anh mèo “The Baron”. Chính tại đây, Shizuku phát hiện rằng mình có đam mê văn chương, và cô bé ngạc nhiên khi biết cậu bạn Seiji học cùng lớp mà cô rất ghét là cháu trai ông chủ tiệm. Seiji thực tình là một cậu bé tốt, nuôi mộng trở thành nghệ nhân làm đàn violin số một Nhật Bản.

Shizuku và Seiji cùng chú mèo Moon trong “Whisper of the Heart”

Đây là phim đầu tiên và là phim duy nhất của Yoshifumi Kondo; bộ phim do Miyazaki viết kịch bản, và ông nhường cho đệ tử Kondon đạo diễn, vì Miyazaki mong Kondo sẽ thay thế ông làm phim cho Ghibli trong tương lai. Nhưng thật tiếc vì Kondo qua đời ngay sau đó vì lao lực (Kondo bị phình động mạch chủ, đáng ra không chết, nhưng do ham công tiếc việc quá, cứ cố đi làm, nên Kondo mất vì kiệt sức).

Sự ra đi đột ngột của Kondo khiến Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu vào năm 1998, nhưng sau này ông vẫn chẳng nghỉ hưu được. Có điều vì Kondo mà Miyazaki thay đổi, thong thả làm việc hơn chứ không bù đầu như trước kia.

Điếu văn của Miyazaki viết về Yoshifumi Kondo như sau: “Chúng tôi gọi cậu ấy là Kon Chan. Cậu là một đạo diễn hoạt hình giỏi nhất trong số hàng trăm đạo diễn tôi từng gặp. Khi còn là thanh niên, tranh của cậu đã ánh lên vẻ tự do trẻ trung. Giống với việc leo lên một đồi dốc, và cuối cùng bạn nhìn thấy một vùng biển xanh rộng lớn cạnh các ngọn núi, hoặc nhìn thấy một bầu trời trong veo đẹp đẽ – tranh của Kondo đem đến một cảm giác tự do giống như vậy.”

Một cảnh trong “Whisper of the Heart”

Miyazaki viết thêm “Dù phim (Whisper of the Heart) có thay đổi chút xíu so với dự định ban đầu, nhưng đây là tác phẩm mà cả hai chúng tôi muốn làm lúc chúng tôi còn trẻ; độ 20, 30 tuổi.”

5. The Cat Returns (Chú mèo quay về), 2002

Vì nhân vật “The Baron” trong phim “Whisper of the Heart” được nhiều khán giả yêu thích, hãng Ghibli quyết định làm phẩn tiếp theo cho “Whisper of the Heart”, lấy tên “The Cat returns”, với hai chú mèo The Baron và Moon tiếp tục xuất hiện thêm lần nữa.

Bức tượng cổ tạc chú mèo The Baron trong Whisper of the Heart

Trong “The Cat Returns”, cô bé Haru nhút nhát vô tình phát hiện ra mình có khả năng trò chuyện với mèo. Haru cứu một chủ mèo khỏi bị xe đụng, nhưng không ngờ rằng chú mèo đó là Hoàng tử của Vương quốc Mèo. Để cảm ơn, Hoàng tử chọn Haru làm công chúa. Haru không thích làm phu nhân mèo nhưng lại lưỡng lự trong câu trả lời, khiến Hoàng tử hiểu lầm rằng Haru đồng ý lấy mình.

Để gỡ rối, Haru nhờ chú mèo Moon dẫn đường đến Bộ chính trị Mèo, tại đây cô gặp The Baron, và cuộc phiêu lưu của Haru bắt đầu.

Moon, Haru, và The Baron trong “The Cat Returns”

Miyazaki và Takahata cử Kondo đạo diễn “Whisper of the Heart” với mong muốn đào tạo nên một thế hệ tài năng trẻ cho Ghibli. Sau này Kondo qua đời, nhưng hãng phim vẫn muốn tiếp tục truyền thống đó, và giao “The Cat Returns” cho Hiroyuki Morita đạo diễn. Lúc đầu Ghibli định làm phim ngắn, nhưng Miyazaki thấy thích nét vẽ lẫn nhân vật Haru của Morita nên ông quyết định biến “The Cat Returns” thành phim dài.

Một cảnh trong “The Cat Returns”

Tuy làm phim về mèo, nhưng ngoài đời thì đạo diễn Hiroyuki Morita thú nhận rằng mình rất… ghét mèo.

6. My Neighbours the Yamadas (Nhà hàng xóm Yamada), 1999

Bộ phim xoay quanh cuộc sống bình dị nhưng hơi điên điên của gia đình Yamada (thực tế thì gia đình nào cũng có tí điên điên), với con trai Noboru, con gái Nonoko, bố Takashi, mẹ Matsuko, bà ngoại Shige, và con cún Pochi.

Đại gia đình Yamadas (các bạn bấm vào ảnh để xem ảnh to hơn)

Bộ phim do Isao Takahata đạo diễn, và thay vì dùng cách vẽ lẫn cách phối màu truyền thống của Ghibli, Takahata quyết định dùng màu nước với nét vẽ đơn giản hóa theo kiểu truyện tranh. Giống các phim khác của ông, “Nhà hàng xóm Yamada” rất Nhật, ai hiểu Nhật sẽ thích hơn, nhưng nó không đến nỗi quá Nhật như Pom Poko, thành thử người ngoại đạo xem vẫn được.

Một cảnh trong “Nhà hàng xóm Yamadas”, phim vẽ đơn giản với màu nước nhưng khung hình nào cũng đẹp như tranh ấy.

Bộ phim gồm nhiều câu chuyện nhỏ của gia đình Yamada, mỗi câu chuyện ngăn cách bằng một bài thơ Haiku. Phim vui kinh khủng, ai thích phim truyền hình hài kiểu sitcom thì chắc chắn sẽ khoái phim này.

7. Tales from Earthsea (Truyện kể vùng Earthsea), 2006

Chuyển thể từ bộ sách nổi tiếng của nhà văn Ursula Le Guin

Một cảnh trong phim

Nhưng bộ phim này dắt dây theo nhiều chuyện rắc rối. Đầu tiên, vấn đề nằm ở chỗ: từ lâu rất lâu rồi, Hayao Miyazaki và ông con trai Goro Miyazaki đã không ưa nhau. Lý do chính (Goro kể) là vì Miyazaki bố ham công tiếc việc quá, ít khi nào ở nhà với gia đình, khiến tuổi thơ của Goro mang tiếng là có bố làm nghệ sĩ bậc thầy nhưng chả mấy khi gặp mặt. Sau này Goro dấn thân vào làm họa sĩ hoạt hình nhưng cả hai Miyazaki cha con gần như không đếm xỉa đến nhau.

Anh Goro Miyazaki

Vấn đề thứ hai: Miyazaki rất yêu truyện của Ursula. Truyện kể vùng Earthsea nói về thế giới phép thuật Earthsea, nơi các nam phù thủy được coi trọng hơn nữ phù thủy; truyện nhấn mạnh vấn đề bình đẳng giới, môi trường… toàn những thứ Miyazaki rất khoái, nên ông từng nói rằng mình để bộ sách này ở đầu giường.

Hai nhân vật chính của “Truyện kể vùng Earthsea”

Vấn đề thứ ba: cũng từ rất lâu, Miyazaki đã xin Ursula cho phép mình dựng truyện của bà thành phim. Ursula không thích bất cứ đạo diễn nào chuyển thể sách của mình, và lúc đó bà chẳng biết Miyazaki là ai nên… liên tục từ chối. Nhưng sau khi xem “Ông hàng xóm Totoro”, Ursula thích Miyazaki và cảm thấy rằng ông là người duy nhất có thể chuyện truyện của bà thành phim, nên đồng ý giao tác phẩm cho Miyazaki. Miyazaki mừng húm!

Nhưng nhà sản xuất Suzuki của Ghibli nghĩ ngợi thế nào đó, giao Earthsea cho… ông con Goro đạo diễn. Kết quả: phim chệch hẳn so với truyện; nói cho cùng thì chệch vẫn chẳng sao, miễn là hay, có điều Earthsea lại… không hay. Theo ý kiến chung thì phim cứ nặng nề, buồn buồn, tuy vẽ đẹp nhưng thiếu cái vẻ tinh tế vốn có của Ghibli. Một số khác phán rằng Earthsea có nhiều cảnh ngắn khá hay, nhưng gộp lại thành phim thì chán, và khuyên Goro nên đi làm phim hoạt hình ngắn thay vì dài.

Ursula thất vọng với phim, Miyazaki bố thì tức điên người.

8. The borrower Arrietty (Cô bé vay mượn Arrietty), 2010

Dựa theo cuốn truyện thiếu nhi “The Borrowers” của Mary Norton, bộ phim kể về giống người vay mượn tí hon, sống dưới gầm nhà, cụ thể là gia đình của cô bé Arrietty (giống người tí hon đi mượn đồ của người bình thường để sống, nên giống loài này chết tên đó)

Hai nhân vật chính của phim: cô bé Arrietty tý hon và cậu Sho – người phát hiện ra gia đình của Arrietty dưới gầm nhà.

Bộ phim do Hiromasa Yonebayashi đạo diễn. Đây là phim đầu tay của anh, Miyazaki giao Arrietty cho Hiromasa cũng với mục đích đào tạo tài năng trẻ cho Ghibli. Lúc đầu, Hiromasa lúng túng không tự tin nên cứ đi xin Miyazaki lời khuyên suốt, nhưng Miyazaki ậm ừ không chỉ. Sau đó Hiromasa vỡ lẽ rằng Miyazaki muốn mình tự thân làm phim, nên anh chủ động hơn trong công việc, và được Miyazaki khen.

Trong phim có cảnh cô bé Arrietty phát hiện ra ngôi nhà búp bê của loài người, mọi thứ bé xíu rất vừa vặn với giống vay mượn tý hon. Hãng Ghibli chi hơn triệu Yên để làm một ngôi nhà búp bê thật, đồ nội thật đều do các nghệ nhân thực hiện riêng, bên trong các nghệ nhân còn làm một mô hình Miyazaki nhỏ xíu, cho ngồi ở phòng làm việc. Ngôi nhà hiện nằm tại bảo tàng Ghibli.

Ngôi nhà búp bê trong phim

Cận cảnh của căn nhà búp bê


Dollhouse thật làm cho phim, với mô hình Miyazaki. Bảo tàng không cho chụp hình bên trong nên mò đến trận trang web của Nhật thì mới thấy một cái bé tý, bạn nào có hình to hơn thì gửi về giúp SOI nhé.

ღღ lưu giữ kỷ niệm đẹp ღღ
#hộpnhạc #hopnhac #musicbox #hopnhacmusicbox #hopnhacgo #hopnhactrongsuot #hopnhacacrylic #hopnhacDIY #hopnhacdaycot #hopnhacquaytay #phale # thuytinh #quatangtinhyeu #quatangtinhnhan #tinhyeu #tinhnhan #quatang #kyniem #quakyniem #vatkyniem #DIY

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn